"Gia đình Nobel", gia đình huyền thoại

Bước vào đợt trao giải thưởng Nobel năm 2005, xin trân trọng giới thiệu một gia đình nổi bật nhất trong lịch sử của giải thưởng danh giá này qua bài viết của tác giả Trần Thanh Minh.

Chưa có một gia đình nào như gia đình Curie giữ nhiều kỷ lục về giải Nobel. Danh giá đến vậy: Năm cá nhân. Hai đôi vợ chồng. Một phụ nữ với “cú đúp” (hai lần nhận giải Nobel) 

Vợ chồng nhà bác học Marie Curie và Pierre Curie
Sự kiện này, theo tôn chỉ của giải Nobel, phản ảnh rõ rệt sự tỏa sáng của nhiều ý tưởng siêu việt nhất, sự cống hiến lớn lao nhất của một gia đình cho sự phát triển của nền văn minh nhân loại, cho hạnh phúc con người. Pierre Curie và Marie Curie, Irène Curie và Frederic Joliot Curie, những tên tuổi ấy đã rực sáng trong những thập kỷ đầu của thế kỷ 20, giai đoạn được xem như buổi bình minh của thời đại hạt nhân nguyên tử ngày nay. Họ đã tạo ra những viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho sự ra đời những ngành khoa học mới hết sức quan trọng, vừa mang tính khoa học sâu sắc, vừa có tính ứng dụng rộng rãi trong nhiều mặt của đời sống.

SỰ TIẾP NỐI CỦA TÀI NĂNG VÀ NHÂN CÁCH

Nếu vinh quang lớn nhất trong thiên chức Người Mẹ là sinh thành, giáo dưỡng con cái, tiếp tục và nâng nghiệp nhà lên tầm cao mới, bà Marie Curie là một Người Mẹ như vậy. Con gái Irène Joliot Curie và con rể Frederic Joliot Curie đã tiếp nối xuất sắc tài năng, nhân cách và sự nghiệp của thế hệ trước, bằng những phát minh tầm cỡ, những hoạt động xã hội vô cùng phong phú.

Giải Nobel mới, cống hiến mới, thế hệ mới

Phát minh khoa học đầu tiên và để lại dấu ấn sâu xa nhất của Frederic và Irène Joliot Curie là tạo thành các đồng vị phóng xạ không có trong tự nhiên. Joliot và Irène đã tiến hành một loạt thí nghiệm với những ý tưởng độc đáo và mới mẻ: dùng chùm hạt ion Hêli của máy gia tốc bắn vào những tấm bia làm bằng những chất như Boron (Bo), Nhôm (Al) và Manhê (Mg). Các nhà khoa học của thế hệ tiếp nối này đã tạo ra các đồng vị phóng xạ chưa hề biết, đó là Nitơ (N-13), Phôtpho (P-30) và Nhôm (Al-28).

Nhý vậy, với phát minh của Joliot và Irène, lần đầu tiên con người đã chế tạo ra được những nguyên tử hay đồng vị nhân tạo. Phát minh đó tạo tiền đề chế tạo nhiều đồng vị phóng xạ nhân tạo khác nhau, thậm chí có thể chế ra được cả vàng bạc như mơ ước của các nhà luyện đan cổ xưa. Nhiều đồng vị phóng xạ nhân tạo thích hợp có thể đóng vai trò những "thám tử" theo dõi và điều khiển các qui trình công nghệ, tìm hiểu sự trao đổi chất trong cơ thể sống của động thực vật v.v....

Vậy là, tài năng nối tiếp tài năng, sau khi bố mẹ phát hiện ra các nguyên tố phóng xạ tự nhiên, con cái nhà Curie lại chế tạo được các đồng vị phóng xạ nhân tạo. Hai thế hệ nhà Curie quả đã "tung hoành" suốt ba thập kỷ, khám phá hầu hết những hiện tượng mới, khái niệm mới và rất căn bản, mở ra nhiều bí ẩn trong thế giới vật chất, phát hiện những hiện tượng và quy luật tự nhiên kỳ thú với những những khái niệm trước đó chưa hề biết, như: tia bức xạ, sự phóng xạ, phóng xạ tự nhiên và phóng xạ nhân tạo, phản ứng hạt nhân v.v...Họ giải quyết khá hài hoà trọn vẹn những câu hỏi hấp dẫn nhất để bước vào kỷ nguyên khai thác năng lượng hạt nhân nguyên tử.

Điều đặc biệt là những phát minh của cả gia đình Curie, từ Pierre và Marie đến Frederic và Irène, về tia phóng xạ và chất phóng xạ, đã mở đường cho sự ra đời của các hướng mới về khoa học ứng dụng. Ngoài y học phóng xạ là công nghệ chiếu xạ, nông sinh học phóng xạ, an toàn bức xạ v.v... Cùng với điện nguyên tử, những ứng dụng kỹ thuật hạt nhân đó có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế, ảnh hưởng đến số phận của bao con người. Chúng thiết thực và phổ cập đến mức, ngày nay có thể nhìn thấy được ở nhiều nơi quanh chúng ta. Một phòng khám chữa bệnh hiểm nghèo với những những chiếc kim Radium và nguồn phóng xạ Côban. Giàn khoan dầu khí với máy thăm dò karôta phóng xạ. Trạm kiểm tra chất lượng công trình bằng thiết bị kiểm tra không hủy thể dùng tia bức xạ gamma. Phòng thí nghiệm lai tạo giống mới dùng nguồn phóng xạ để gây đột biến. Một hệ tự động điều khiển dây chuyền sản xuất sử dụng tia bêta hoặc gamma. Một phòng nghiên cứu sinh học phóng xạ phục vụ nhu cầu tăng năng suất vật nuôi và cây trồng, v.v...

Tiếp nối con đường của bậc sinh thành, hai nhà khoa học, đôi vợ chồng danh tiếng Frederic Joliot và Irène Joliot Curie thật xứng danh "hổ phụ sinh hổ tử". Cống hiến cho nhân loại một phát minh lớn lao, "Sự tạo thành các nguyên tố phóng xạ mới (chất phóng xạ nhân tạo)", họ xứng đáng được tôn vinh cao nhất về mặt khoa học, xứng đáng với giải Nobel về Hoá Học của năm 1935.

Như vậy, trong lịch sử giải Nobel có 4 đôi vợ chồng cùng được giải Nobel, gia đình Curie đã chiếm 2 suất. Riêng Frederic Joliot Curie còn là nhà Nobel trẻ nhất trong lịch sử giải Nobel Hóa học, ở tuổi 35.

Hai nhà khoa học, hai chiến sĩ, một cuộc đời chung

Frederic và Irène Joliot Curie, dù tính cách và xuất thân khác nhau; người khuê các lặng lẽ và người sôi nổi hoạt bát, người sinh ra trong chiếc nôi trí tuệ danh giá và người tự thân vươn lên, nhưng hai con người cân sắc cân tài này suốt đời gắn khắng khít với nhau, bổ sung cho nhau và tạo nên một đôi bạn đời tài ba vẹn toàn, hai người đồng nghiệp luôn có nhau trong mỗi thành công về khoa học, hai người đồng chí trên mọi hoạt động xã hội, chính trị với nhân cách cao cả và bầu nhiệt huyết sục sôi.

Cùng gắn bó với công cuộc đào tạo đại học, Giáo sư Frederic Joliot Curie của Đại học Paris từng chỉ huy xây dựng những máy gia tốc mới nhất châu Âu, trong lúc nữ giáo sư Irène Joliot Curie ở Đại học Orsay lại hướng dẫn xây dựng Phòng Thí nghiệm Vật lý, nay vẫn nổi tiếng là chiếc nôi đào tạo tài năng.

Cùng say sưa với nghiệp nghiên cứu khoa học, tấm bằng phát minh đồng vị phóng xạ nhân tạo và giải Nobel hóa học 1935 là kết quả tuyệt vời của sự kết hợp giữa hai nhà khoa học lớn này.

Không dừng ở đó, Irène tiếp tục sát cánh Frederic, độc lập với nhiều nhóm khoa học nổi tiếng cùng thời, như Fermi ở Rome, Hahn ở Berlin v.v..., lập lại thí nghiệm về phản ứng hạt nhân của mình. Tất cả họ cùng bất ngờ tạo ra được phản ứng phân hạch hạt nhân. Tức là phản ứng phá vỡ hạt nhân Uranium thành hai mảnh, bằng chùm "đạn" nơtron, và điều đặc biệt - một năng lượng lớn được giải phóng. Sự kiện này đã mở ra cuộc cách mạng về năng lượng trong thế kỷ 20 với sự ra đời của ngành điện hạt nhân nguyên tử, đồng thời dẫn đến một bước đột biến về tổng quan quân sự trên thế giới với sự xuất hiện của loại vũ khí hủy diệt kinh khủng mới.

Dựa vào kết quả đó, bản thân Frederic Joliot Curie, tháng 10/1939 đã thiết kế về nguyên tắc một lò phản ứng hạt nhân. Nhưng Thế chiến II đã nổ ra. Bên kia Đại Tây dương, trong sân bóng của Đại học Columbia (Mỹ), Fermi và các đồng sự được yên bình xây một lò phản ứng. Bên này, ngược lại, bản thiết kế cùng hoài bão của Joliot được dán kín trong phong bì, nằm im trong hồ sõ tối mật của Viện Hàn lâm Khoa học Pháp. Tác giả của nó cũng từ giã phòng thí nghiệm bước vào cuộc kháng chiến cứu nước, sẵn sàng nhận bất kỳ công việc nào. Khi thì trong vai một người "giữ kho" luôn mang bên mình những tài liệu bí mật quan trọng và những bình nước nặng quý giá để khỏi rơi vào tay quân đội Đức. Lúc khác lại như một kỹ sư quân giới, tham gia chế tạo thuốc nổ. Ông còn được giao nhiệm vụ là Tư lệnh quân đoàn hay Chủ tịch của tổ chức kháng chiến "Mặt trận Quốc gia".

Mãi ngót 10 năm sau, khi chiến tranh kết thúc, ước mơ của Frederic Joliot Curie mới trở thành hiện thực. Lò phản ứng đầu tiên của nước Pháp được xây dựng (1948) theo thiết kế và chỉ đạo trực tiếp của ông.

Nước Pháp từng giành cho cả hai nhà khoa học xuất sắc sự tin cậy rất cao. Bà được trao chức Bộ trưởng phụ trách khoa học trong chính phủ bình dân (1936) và là người đầu tiên thành lập Trung Tâm Nghiên Cứu Khoa Học Quốc Gia (CNRS) của nước Pháp. Ông được giao (1945) tổ chức Ủy ban Năng lượng Nguyên tử (CEA) và trực tiếp điều hành nó trong chức vụ Cao uỷ đầu tiên với hàm Bộ trưởng, còn bà là một thành viên của ban lãnh đạo CEA này. Đổi lại, Frederic kiêm luôn Giám đốc trung tâm nghiên cứu lớn nhất nước Pháp CNRS do vợ mình đã gây dựng khi còn là Bộ trưởng khoa học.

Rồi bi kịch đến với ông bà Joliot Curie. Bi kịch cá nhân này cũng là bi kịch chung của lịch sử thế giới trong thế kỷ 20. Cả hai người cùng bất ngờ, lần lượt rời cơ quan quan trọng CEA (1950) với quyết định miễn nhiệm không nêu lý do. Dĩ nhiên ai cũng hiểu, trong thời kỳ chiến tranh lạnh ấy ông bà không thể tiếp tục sứ mệnh khi họ là những người cộng sản, đã tham gia hàng ngũ kháng chiến chống phát xít do đảng CS Pháp lãnh đạo. Đặc biệt, vào giai đoạn đó CEA có nhiệm vụ đặc biệt hệ trọng chế tạo vũ khí hạt nhân, còn hai nhà khoa học này lại có quan điểm chống chiến tranh, tham gia phong trào hoà bình.

Và thực sự họ, ngay sau đó, họ đã tích cực tham gia lãnh đạo Phong trào Hoà bình Thế giới với cương vị Chủ tịch (ông Joliot Curie) hoặc uỷ viên (bà Joliot Curie) của hội đồng lãnh đạo.

Trong khoa học, hai người đã kết hợp tài năng xuất sắc tạo thành sự nghiệp lớn. Trước bước ngoặc mới của cuộc đời, hai con người với nhân cách cao cả này lại sát cánh bên nhau vì một lý tưởng lớn, đấu tranh cho hòa bình và tiến bộ của nhân loại. Họ cùng xông pha, dâng hiến, như những chiến sĩ ngoài tiền tuyến trong thời chiến tranh cứu nước, cho đến cuối đời.

Ngày nay, nước Pháp; một cường quốc hạt nhân với 80% điện năng là điện nguyên tử, hẳn luôn ghi công xứng đáng hai nhà bác học hạt nhân, Frederic Joliot Curie và Irène Joliot Curie, tác giả chính của lò phản ứng hạt nhân đầu tiên của nước Pháp, những người khai quốc công thần của ngành năng lượng nguyên tử Pháp. Họ là niềm tự hào của nước Pháp.

Lời kết

Thật là không đầy đủ nếu quên rằng, gia đình Curie còn có một thành viên nữa cũng được trao tặng giải thưởng Nobel. Đó là người con rể, một nhà ngoại giao người Mỹ tên là H.R.Labouisse, chồng của thứ nữ Eve Curie của ông bà Pierre. Ông có những đóng góp xuất sắc cho con người trong cưõng vị Giám đốc Quỷ Trẻ em của Liên Hiệp Quốc. Giải Nobel Hoà bình đã trao cho ông ở Oslo (Na Uy) năm 1965. Eva Curie không đi theo con đường khoa học cùng bố mẹ và anh chị, nhưng nàng yêu quý họ, theo dõi họ. Là nhà văn tên tuổi, bà viết ca ngợi sự nghiệp của họ; đặc biệt người Mẹ vĩ đại của mình qua cuốn sách nổi tiếng Marie Curie. Với sự nghiệp của người con rể Labouise, lại một kỷ lục nữa cho nhà Curie: Năm thành viên trong một gia đình cùng được giải Nobel vinh danh.

Năm cá nhân, Hai đôi vợ chồng, Một phụ nữ nhận "cú đúp” hai giải Nobel v.v.. Chưa có một gia đình nào như gia đình Curie giữ nhiều kỷ lục về giải Nobel danh giá đến vậy. Sự hội tụ những đỉnh cao trí tuệ ấy trong một gia đình Curie thật là điều kỳ lạ. Kỳ lạ như là một huyền thoại của thế kỷ 20 vậy.

Trần Thanh Minh

Theo VietNamNet
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video