Các nhà khoa học đề xuất giả thuyết mới rằng Mặt Trăng hình thành từ bên trong một đám mây đá bay hơi của Trái Đất thủa sơ khai.
Một nhóm nghiên cứu quốc tế đưa ra một lý thuyết mới về sự hình thành của Mặt Trăng. Theo phân tích của họ, Mặt Trăng được sinh ra bên trong Trái Đất trước khi Trái Đất trở thành một hành tinh rắn. Vào thời điểm hình thành Mặt Trăng, Trái Đất chỉ là một đám mây đá bay hơi xoay tròn, hình bánh rán. Kết quả nghiên cứu được đăng trên tạp chí Journal of Geophysical Research: Planets hôm 28/2, theo UPI.
Lý thuyết mới cho rằng Mặt Trăng hình thành bên trong một đám mây của đá bay hơi. (Ảnh: Sarah Stewart).
"Nghiên cứu mới có thể giải thích những đặc điểm khó lý giải của Mặt Trăng với những hiểu biết hiện nay. Mặt Trăng gần như giống với Trái Đất, nhưng có một số điểm khác biệt. Đây là mô hình đầu tiên phù hợp với thành phần cấu tạo của Mặt Trăng", Sarah Stewart, thành viên của nhóm nghiên cứu tại Đại học California, Davis (Mỹ), cho biết.
Lý thuyết phổ biến nhất cho sự hình thành của Mặt Trăng đó là Mặt Trăng được sinh ra bởi vụ va chạm giữa Trái Đất và một thiên thể có kích cỡ bằng sao Hỏa gọi là Theia. Các mảnh vỡ đá và kim loại bắn vào trong không gian từ vụ va chạm kết hợp lại với nhau để tạo thành Mặt Trăng.
Mô hình mới cho thấy cả Trái Đất và Mặt Trăng đều hình thành từ vụ va chạm khổng lồ như vậy. Các nhà khoa học đặt ra giả thuyết rằng, vào giai đoạn đầu hình thành hệ Mặt Trời, hai thiên thể có kích cỡ bằng một hành tinh va chạm với nhau để tạo thành một đám mây đá bay hơi.
Khi hơi đá ngưng tụ thành dạng lỏng, đám mây co lại và sau đó biến đổi thành một hành tinh nóng chảy. Các nhà khoa học tại Đại học UC Davis và Đại học Harvard (Mỹ) tin rằng, một khối cầu vật chất của đá bay hơi thoát ra trong suốt vụ va chạm, vượt ra khỏi khu vực hút của đám mây đá bay hơi đang ngưng tụ. Đây sẽ là “hạt giống” để tạo thành Mặt Trăng, và nó bắt đầu quay quanh hành tinh mới được ngưng tụ.
"Mô hình của chúng tôi bắt đầu bằng một vụ va chạm để hình thành đám mây đá bay hơi. Mặt Trăng hình thành bên trong Trái Đất bay hơi ở nhiệt độ từ -15°C đến -14°C, với áp suất bằng hàng chục atmosphere (atm)", Simon Lock, thành viên của nhóm nghiên cứu tại Đại học Harvard, cho biết.
Các nhà khoa học cho biết, một trong những ưu điểm trong mô hình của họ đó là sự linh hoạt, do đám mây đá bay hơi có thể hình thành theo nhiều cách khác nhau. Ngoài ra, lý thuyết về vụ va chạm giữa Trái Đất với thiên thể Theia chỉ xảy ra khi có kích thước và thời điểm thích hợp.
Bởi vì Trái Đất và Mặt Trăng hình thành từ phần lớn vật liệu bay hơi giống nhau, nên chúng có thành phần cấu tạo tương tự nhau. Tuy nhiên, lý thuyết mới cũng giải thích tại sao Mặt Trăng lại hơi khác, vì nó bị mất các vật chất dễ bay hơi trong suốt quá trình thoát khỏi đám mây đá bay hơi.