Nguyễn Qua Khải (tổng hợp)
Giấc mơ là sản phẩm tư duy cao cấp của con người, thể hiện trong khi ngủ. Có những giấc mơ khiến con người ta sung sướng, hy vọng. Có những giấc mơ làm cho không ít người thất vọng, bồn chồn, lo lắng. Cũng lại có rất nhiều giấc mơ đã trở thành chiếc chìa khóa thần mở cánh cửa đến với những phát minh, sáng tạo.
Những kỳ tích của giấc mơ
Theo thống kê, với một người bình thường, trung bình mỗi đêm ngủ có thể trải qua từ 4-6 giấc mơ ngắn dài khác nhau. Một người sống đến 60 tuổi thường có khoảng thời gian trong trạng thái “mơ ngủ” là 5 năm, tức 43.800 giờ sống với giấc mơ. Kể ra thì cảnh tượng trong giấc mơ diễn ra muôn hình vạn trạng, vô cùng phong phú. Điều đáng tiếc là rất nhiều những kỳ tích mà con người tạo ra trong giấc mơ chỉ là ảo ảnh, chúng hầu hết đều tiêu tan khi con người tỉnh dậy.
Từ xưa đến nay đã từng có nhiều thí dụ điển hình đầy thú vị về vấn đề này. Nhà toán học người Pháp René Descartes (1536-1650), chỉ riêng trong đêm 10/11/1619 đã trải qua 3 giấc mơ trong đó có một giấc mơ đặc biệt, đã bày vẽ cho ông cách mở kho báu khoa học tự nhiên: ứng dụng số học vào hình học. Nhờ đó Descartes có được một sự gợi ý để sau này sáng lập ra học thuyết hình học giải tích. Và chính ngày 10/11/1619 đã được coi là ngày ra đời của môn hình học giải tích.
Có một giấc mơ quan trọng đã xảy ra vào một đêm tháng 2/1869, liên quan đến “Hiến pháp của vương quốc hóa học”. Lúc đó các nhà khoa học đã phát hiện được 63 nguyên tố hóa học nhưng chưa biết sắp xếp chúng như thế nào mặc dù họ đều cho rằng nhất định chúng phải được sắp xếp theo một quy luật nào đó. Sau một ngày làm việc mệt mỏi, nhà hóa học người Nga Dimitry Ivanovich Mendeleyev (1834-1907) đã ngủ thiếp đi và mơ. Trong giấc mơ ông nhìn thấy một trang bảng biểu gồm nhiều ô, đồng thời lại thấy các nguyên tố hóa học đang lũ lượt theo nhau rơi vào từng ô thích hợp. Ông bừng tỉnh, vội lấy bút ghi lại ý tưởng thiết lập thành bảng với các ô sắp xếp những nguyên tố hóa học theo một quy luật. Từ ý tưởng đó, ông đã cho ra đời Bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học mà ta thường gọi tắt là Bảng tuần hoàn Mendeleyev.
Nhà vật lý người Đan Mạch Niels Bohr (1885-1962) có một đêm mơ thấy mình đang đứng trên mặt trời hừng hực khí nóng, trước mặt là các hành tinh bay vun vút, xiết vèo vèo ngay cạnh người ông. Chính hình thức ấy trong giấc mơ kỳ thú đã gợi ý cho ông sáng lập ra mô hình cấu trúc nguyên tử mà ta thường gọi là mô hình nguyên tử Bohr.
Lại nữa, nhà hóa học người Đức August Ketufe (1829-1896) trong khi ngồi ngủ gật bên cạnh bếp lò vì quá mệt mỏi bởi công việc nghiên cứu bỗng có một giấc mơ kỳ lạ về một con rắn và những cái vòng tròn. Giấc mơ này đã giúp ông phát hiện ra cấu trúc phân tử của hợp chất hữu cơ Benzene (C6H6) là cấu trúc dạng vòng.
Nhà vật lý người Đan Mạch Niels Bohr (1885-1962) - (Ảnh: Cuny.edu)
Hơn cả sự vô thức, nhà sinh lý học Cannon còn tạo cho mình thói quen suy nghĩ trong giấc mơ. Ông thường đem những câu hỏi cần ngẫm nghĩ vào trong giấc mơ và sáng hôm sau, khi thức giấc, ông đã tìm ra được lời giải đáp. Ông cho biết: “Lâu nay tôi vẫn dựa vào quá trình tác dụng của tiềm ý thức (subconsciousnees) giúp đỡ tôi giải quyết vấn đề đặt ra. Ví như khi tôi chuẩn bị một bài nói chuyện, trước hết tôi vạch một đề cương đơn giản gạch đầu dòng. Rồi trong mấy đêm tiếp sau đó, tôi thường bình tĩnh trong những giấc mơ và in trong óc tôi là những dẫn chứng mạch lạc có liên quan đến đề cương đã vạch sẵn của tôi, cùng với những câu chữ thích hợp và tư tưởng mới mẻ”.
Tại Trường đại học Cambridge, nước Anh, đã thực hiện một cuộc điều tra đối với những học giả có nhiều phát minh, sáng tạo, kết quả có tới 70% học giả cho rằng hoạt động mang tính sáng tạo của họ ít nhiều có dựa vào những gợi ý xuất hiện trong giấc mơ. Trường đại học Geneve Thụy Sĩ cũng từng thực hiện nhiều cuộc điều tra đối với các nhà toán học nổi tiếng. Kết quả là đã có 51 trong số 60 nhà toán học trả lời rằng, có rất nhiều vấn đề đã được giải đáp trong giấc mơ của họ. Ngay cả các nghệ sĩ, các nhà văn, nhiều người cũng nói rằng họ đã từng nhận được các ý tưởng từ trong giấc mơ.
Ví dụ như ca sĩ Paul McCartney của Ban nhạc Beatles nói rằng ông đã tỉnh giấc với nhạc phẩm “Yesterday” trong đầu. Nhà văn Mary Shelley cho biết, bà đã có một giấc mơ mạnh mẽ, sinh động về một nhà khoa học sử dụng một loại máy móc để tạo ra một loài sinh vật sống. Khi tỉnh dậy, bà liền cầm bút viết một mạch cuốn sách khoa học viễn tưởng về một nhà khoa học có tên Frankenstein đã tạo ra một loài quái vật khủng khiếp. Còn nhà thơ Lý Bạch (1701-1762, đời Đường bên Trung Quốc) vì mơ thấy mình đang du ngoạn danh sơn mà viết lên câu thơ thất ngôn bất hủ “Mộng du thiên lão ngâm lưu biệt” (Nằm mơ thấy trời già bịn rịn ngâm bài thơ tiễn biệt)... Các nhà tâm lý học gọi những giấc mơ có xuất hiện những gợi ý cho con người kiểu này là “giấc mơ của trực giác”.
Ca sĩ Paul McCartney của Ban nhạc Beatles (Ảnh: Gibson.com)
“Ngày làm sao, đêm chiêm bao làm vậy”
Giấc mơ thường xuất hiện ở giai đoạn “pha nhanh” của giấc ngủ. Lúc này lớp vỏ đại não thường bị ảnh hưởng của các nhân tố như ký ức, các thể nghiệm sinh hoạt thường ngày... dẫn tới những giấc mơ có liên quan đến đời thực, đến các vấn đề đang vướng mắc trong cuộc sống. Chính vì thế mà người ta có câu “Ngày làm sao đêm chiêm bao làm vậy”. Đối với các nhà khoa học hay người làm việc trí óc nói chung, khi thức họ thường mải mê chuyên tâm suy nghĩ và nghiên cứu. Chính vì vậy mà đến lúc ngủ có thể xuất hiện những mộng cảnh thần bí có tác dụng thúc đẩy quá trình sáng tạo ban ngày của họ đi đến thành công. Đó là vì khi ngủ, phần lớn các tế bào thần kinh đang ở trạng thái ức chế, mà những vấn đề “suy ngẫm nát óc” vẫn lưu giữ trong não làm cho một số tế bào thần kinh nào đó vẫn trong trạng thái hưng phấn, hơn thế nữa còn khá sống động và thế là diễn ra “giấc mơ của trực giác”.
Nói đúng ra, đối với những thành công sáng tạo gặt hái được từ trong giấc mơ, công đầu vẫn phải kể đến những gì ngoài giấc mộng. Nếu không có quá trình lao tâm khổ tứ, làm việc miệt mài, nghiên cứu lâu dài thì trong giấc mơ không thể kích thích bột phát linh cảm được. Chỉ có chuyên tâm tìm tòi không biết mệt mỏi mới có thể đào xới được tiềm năng tư duy, từ đó mà lóe lên tia lửa của trí tuệ. Về điều này, Descartes đã rất đúng khi nói rằng: “Chỉ có những bộ óc đã có sự chuẩn bị sẵn sàng thì trong giác mơ, ảo giác mới xuất hiện những khám phá mới mẻ”. Thực tế là hầu như suốt trong mùa đông năm 1619, đầu óc Descartes luôn chìm đắm trong suy nghĩ vào việc lựa chọn con đường mà ông phải đi. Bởi vậy ông mới có thể nắm được trong tay chiếc chìa khóa để mở ra một phát minh sáng tạo vĩ đại.
Giấc mơ có thể tiếp thêm sức mạnh cho bạn tiến xa hơn những điều đã biết và chưa biết để sáng tạo ra những điều tưởng như là không tưởng. Nhà tâm lý học người Pháp Francis Bacon đã có một lời khuyên rằng: “Mỗi người nên có một chiếc bút chì trong túi mình để bất kỳ lúc nào cũng có thể ghi lại những ý tưởng chỉ xuất hiện trong những giấc mơ”. Chúc bạn sớm nhặt được chiếc chìa khóa thần trong giấc mơ của mình!