Giới chuyên gia lo ngại phương pháp khai thác lithium từ nước muối ở sa mạc Atacama sẽ đe dọa đến sự sống ở nơi này khi làm "bốc hơi" hàng tấn nước ở một trong những nơi khô cằn nhất trên Trái đất.
Khi hoàng hôn buông xuống trên sa mạc Atacama của Chile, các công nhân bắt đầu vận hành máy khoan chiết xuất nước muối để đo hàm lượng lithium.
Lithium là khoáng chất quan trọng phục vụ quá trình chuyển đổi năng lượng trên toàn cầu, nhưng vẫn có những tác động tiêu cực đối với môi trường.
Nhu cầu lithium, nguyên liệu sản xuất pin ôtô điện, đã tăng mạnh trong những năm gần đây khi thế giới tìm cách loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch để hạn chế hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Là một phần "tam giác lithium" của Mỹ Latinh cùng với Argentina và Bolivia, Chile đang nỗ lực giành lại vị thế là nhà sản xuất lithium hàng đầu thế giới.
Bãi muối trên sa mạc Atacama tại nhà máy lithium Sociedad Química y Minera de Chile. (Nguồn: NRDC).
Tại các cánh đồng muối Aguilar và La Isla ở vùng Altoandinos thuộc sa mạc Atacama - ở độ cao lần lượt là 3.400 mét và 4.400 mét, công tác lấy mẫu nước muối đang gấp rút diễn ra để gửi về phòng thí nghiệm đo hàm lượng lithium.
Ông Ivan Mlynarz, Phó Chủ tịch điều hành của Công ty khai thác khoáng sản quốc gia Enami, cho biết hoạt động khoan chiết xuất nước muối được thực hiện "suốt ngày đêm".
Công ty dự định bắt đầu khai thác loại khoáng sản được coi là "vàng trắng" này vào năm 2030, với sản lượng mục tiêu 60.000 tấn mỗi năm.
Dự án của Enami đóng vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa "giấc mơ" của Chile nhằm giành lại vị trí nhà sản xuất lithium hàng đầu thế giới, danh hiệu từng thuộc về quốc gia Nam Mỹ này cho đến khi rơi vào tay Australia năm 2016.
Australia, chiết xuất lithium từ đá, chiếm 43% sản lượng lithium toàn cầu, trong khi Chile chiếm 34%.
Tổng thống Chile Gabriel Boric có kế hoạch thành lập một công ty khai thác lithium thuộc sở hữu nhà nước, tương tự công ty khai thác đồng Codelco.
Tháng trước, Codelco đã ký thỏa thuận với công ty khai thác lithium SQM để tăng gần gấp đôi sản lượng khai thác hiện tại của công ty tư nhân này ở Salar de Atacama, phía Bắc Altoandinos.
Hợp tác giữa Codelco và SQM sẽ bổ sung khoảng 300.000 tấn vào sản lượng lithium hằng năm của Chile trong giai đoạn 2025-2030 và 280.000-300.000 tấn/năm trong giai đoạn 2031-2060.
Năm 2022, quốc gia Nam Mỹ này sản xuất khoảng 243.000 tấn lithium.
Ở Chile, lithium được sản xuất thông qua quá trình bay hơi nước muối trong ao hoặc hồ chứa đầy nước được bơm từ bên dưới các bãi muối.
Các nhà hoạt động vì môi trường lo ngại việc khai thác lithium ở sa mạc Atacama sẽ tác động đến hệ sinh thái dễ bị tổn thương tại đây.
Giới chuyên gia cũng cho rằng phương pháp khai thác lithium từ nước muối ở sa mạc này có thể đe dọa một số loài động vật và thực vật khi làm "bốc hơi" hàng tấn nước ở một trong những nơi khô cằn nhất trên Trái đất.
Giáo sư Cristina Dorador tại Đại học Antofagasta cho biết những bãi muối ở sa mạc Atacama đóng vai trò quan trọng đối với sự đa dạng sinh học ở khu vực.
Một kết quả nghiên cứu công bố năm 2019 cảnh báo quy trình sản xuất sử dụng nhiều nước ở sa mạc Atacama đã làm gia tăng mối lo ngại về nguy cơ gián đoạn thủy văn các nguồn nước tự nhiên ở khu vực có lượng mưa tối thiểu.
Nghiên cứu nhấn mạnh những tác động đối với môi trường bao gồm suy thoái thảm thực vật bề mặt, tăng nhiệt độ bề mặt ban ngày và giảm độ ẩm của đất.
Hoạt động khai thác lithium ở Altoandinos thuộc sa mạc Atacama cũng đang đe dọa cộng đồng người Colla bản địa.
Nguồn nước cạn kiệt trong khu vực đã buộc cộng đồng sống bằng nghề chăn cừu này phải rời vùng núi đến các thành phố, ảnh hưởng đến sinh kế của họ.