Giải mã bí mật virus cúm gây đại dịch 1918

Một nhóm gene giúp virus H1N1 xâm nhập vào phổi và gây viêm là cách mà chúng lấy mạng hàng chục triệu người trong đại dịch cách đây 90 năm.

Các nhà khoa học thuộc Đại học Wisconsin (Mỹ), Đại học Kobe và Đại học Tokyo (Nhật Bản) sử dụng chồn sương – loài động vật có cơ chế phát triển bệnh cúm giống con người – để nghiên cứu virus gây bệnh cúm năm 1918.

Cúm thường gây viêm nhiễm ở phần trên của hệ thống hô hấp (như mũi, họng) và gây sốt, đau cơ, suy giảm sức khỏe.

Một số người có thể bị ốm nặng và viêm phổi. Đôi khi vi khuẩn gây nên bệnh viêm phổi song cũng có trường hợp bệnh phát sinh bởi tác động trực tiếp của virus cúm.

Trong đại dịch năm 1918, một chủng cúm mới và nguy hiểm hơn đã xuất hiện. Nó giết chết 20-100 triệu người trên toàn thế giới – gấp ít nhất 100 lần so với các dịch cúm trước đó và sau này. Các biên bản khám nghiệm tử thi cho thấy nhiều nạn nhân là thanh niên khỏe mạnh song lại tử vong vì viêm phổi nặng.

“Chúng tôi muốn tìm hiểu xem tại sao dịch cúm năm 1918 lại gây viêm phổi nặng”, Yoshihiro Kawaoka, chuyên gia thuộc Đại học Wisconsin, phát biểu.

Họ thay thế từng gene lấy từ virus năm 1918 vào các virus cúm hiện đại. Sau đó các nhà khoa học lần lượt đưa từng virus cúm hiện đại vào cơ thể chồn sương. Kết quả cho thấy phần lớn virus chỉ gây bệnh ở phần trên của hệ thống hô hấp. Nhưng một chủng virus đã xâm nhập thành công vào phổi và phân chia rất nhanh ở đây.

Phân tích gene cho thấy, chủng virus hiện đại này có 3 gene – gọi là PA, PB1, PB2 – mà các chủng kia không có. Nhóm gene đó cùng với một phiên bản nucleoprotein của virus năm 1918 giúp nó giết chết các con chồn sương theo cách thức giống hệt như con người. 

Cảnh sát tại thành phố Seattle (Mỹ) đeo khẩu trang do Tổ chức Chữ thập đỏ sản xuất để đối phó với đại dịch cúm 1918. Ảnh: Reuters.


Thủ phạm gây nên đại dịch cúm năm 1918 (thường được gọi là dịch cúm Tây Ban Nha) là chủng H1N1 thuộc nhóm virus cúm A. Các tài liệu lịch sử và dịch tễ không ghi lại dữ liệu đầy đủ để giới khoa học có thể xác định nguồn gốc của dịch. Nhiều nạn nhân là thanh niên khỏe mạnh, trong khi các dịch cúm trước đó thường tấn công người già, trẻ em và người có sức khỏe yếu.

Đại dịch cúm bùng phát từ tháng 3/1918 và chấm dứt vào tháng 6/1920. Virus H1N1 lây lan khắp nơi, tới tận Bắc Cực và nhiều đảo xa xôi ở Thái Bình Dương. Số người chết bằng một phần ba dân số châu Âu vào thời điểm đó và gấp hơn hai lần số người thiệt mạng trong Thế chiến thứ nhất.

Đa số chuyên gia về cúm nhất trí rằng một đại dịch cúm chắc chắn sẽ tái diễn trong tương lai. Không ai biết thời điểm chính xác mà đại dịch sẽ xảy ra hoặc chủng cúm sẽ gây nên thảm họa. Chủng cúm gia cầm H5N1 được đưa lên vị trí đầu tiên trong danh sách các nghi phạm.

H5N1 đang tấn công gia cầm ở châu Á, châu Âu và nhiều nơi tại châu Phi. Nó đã hiếm khi lây nhiễm sang người nhưng đã tấn công 391 người, trong đó có 247 người tử vong, kể từ năm 2003 tới nay.

Giới khoa học lo ngại rằng một vài biến đổi gene sẽ biến H5N1 thành chủng virus có khả năng lây nhiễm từ người sang người. Khi đó, nó có thể giết chết hàng chục triệu người trên toàn thế giới trong vài tháng.

Hiện thế giới chế tạo được 4 loại thuốc có khả năng ngăn chặn virus cúm nhưng chúng thường biến đổi gene để kháng thuốc – giống như cách thức vi khuẩn tiến hóa để vô hiệu hóa thuốc kháng sinh.

Theo VnExpress (Reuters)
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video