Giải mã công cụ đá hai triệu năm tuổi

Nghiên cứu mới cho thấy người cổ đại chế tạo những khối cầu đá với kích thước vừa tay để đập vỡ xương động vật lấy tủy.

"Nghiên cứu của chúng tôi lần đầu tiên cung cấp bằng chứng về chức năng của những khối cầu đá bí ẩn mà con người chế tạo hai triệu năm trước", Ella Assaf, chuyên gia tại Khoa Khảo cổ và Văn hóa Cận Đông cổ đại thuộc Đại học Tel Aviv, cho biết. Đây là kết quả đáng chú ý vì giúp giới khoa học giải đáp vấn đề tồn tại suốt hàng thập kỷ, Live Science hôm 18/4 đưa tin.


Ba mặt của một khối cầu đá được tìm thấy trong hang Qesem, Israel. (Ảnh: Live Science).

Nhóm nghiên cứu của Assaf tìm thấy 30 khối cầu đá tại hang Qesem, Israel, nơi con người sinh sống khoảng 200.000 - 400.000 năm trước. Hầu hết chúng làm bằng đá vôi hoặc dolomite, khác với hàng trăm nghìn công cụ bằng đá lửa được phát hiện trong hang.

Nhà khảo cổ Emanuela Cristiani tại Đại học Sapienza, thành viên nhóm nghiên cứu, cùng cộng sự kiểm tra các khối cầu đá dưới kính hiển vi. Họ phát hiện dấu vết mài mòn và chất hữu cơ cho thấy chúng từng được dùng để đập vỡ xương động vật, lấy tủy bổ dưỡng bên trong.

Để khẳng định chắc chắn, các nhà khoa học tiến hành hai thí nghiệm. Đầu tiên, họ sử dụng đá cuội tròn tự nhiên để làm vỡ xương. Tiếp theo, họ chế tạo công cụ đá như loại cổ đại và cũng thử nghiệm với xương động vật.

Kết quả là so với đá tròn tự nhiên, công cụ đá đập xương và lấy tủy hiệu quả hơn nhiều. "Những công cụ này có thể cầm nắm thoải mái và rất cứng chắc. Bạn cũng có thể xoay mặt để sử dụng nhiều lần vì chúng có rất nhiều đường gồ lên. Những đường gồ lên này giúp đập vỡ xương gọn ghẽ để lấy tủy một cách dễ dàng", Assaf cho biết. Ngoài ra, việc đập xương cũng để lại vài vết mòn nhỏ trên công cụ đá mô phỏng. Chúng rất giống dấu vết trên công cụ đá cổ đại.

Những khối cầu đá trong hang Qesem được phủ một lớp bóng giống xà cừ do tiếp xúc lâu với môi trường bên ngoài. Nó không giống lớp ngoài của những công cụ đá còn lại trong hang. Điều này chỉ ra, các khối cầu đá đã tiếp xúc với một môi trường khác trong thời gian dài, sau đó cư dân sống trong hang mới tìm thấy và đem về. Chúng là đồ cũ và được họ sử dụng lại.

Tủy xương có tỉ lệ axit béo cao nhất trong cơ thể động vật. Vì vậy, những khối cầu đá này có thể đã giúp người xưa tăng lượng calo hấp thụ và thích nghi tốt hơn ở hang Qesem và những vùng đất khác trong thời Đồ Đá cũ (diễn ra cách đây 2,7 triệu năm đến 200.000 năm).

Cập nhật: 21/04/2020 Theo VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video