Động vật có thể cảm giác được những thay đổi vật lý diễn ra ở mạch nước ngầm trước khi một trận động đất thật sự bùng nổ.
>>> Cóc có khả năng dự báo động đất
>>> Trung Quốc: Dùng rắn để dự báo động đất
Giới khoa học bắt đầu khởi động cuộc nghiên cứu nhằm giải mã những hiệu ứng vật lý có liên quan đến giác quan thứ sáu ở động vật, sau khi người dân địa phương ghi nhận tình trạng cả binh đoàn cóc lũ lượt cõng nhau tháo chạy khỏi ao nhà của chúng tại L'Aquila (Ý) vào năm 2009. Một thời gian sau, vùng đó bị động đất. Cóc ở L'Aquila không phải là ví dụ đầu tiên cho thấy hành vi kỳ lạ của động vật trước khi một sự kiện địa chấn xảy ra. Trong lịch sử, có nhiều lần những đàn bò sát, động vật lưỡng cư và cá các loại đã có thái độ bất thường ngay trước khi một trận động đất giáng xuống vùng đó.
Ví dụ, vào năm 1975, cư dân tại thị xã Hải Thành ở phía nam tỉnh Liêu Ninh (Trung Quốc) đột nhiên thấy vô số rắn ra khỏi hang và bò kín đường trong thời điểm mùa đông rét mướt. Thông thường, đây là giai đoạn ở ẩn của rắn, và với nhiệt độ dưới 0 độ C, chuyện bò lổn ngổn giữa đường chẳng khác nào hành động tự sát đối với loài bò sát máu lạnh này. Tuy nhiên, một tháng sau đó, cơn địa chấn mạnh 7 độ Richter đã làm rung chuyển toàn bộ khu vực, khiến hơn 2.000 người thiệt mạng.
Những trường hợp như vậy, từ chuyện loài bò sát như rắn thức giấc, cóc di cư hoặc cá sống dưới biển sâu trồi lên gần mặt nước, thường chỉ là các giai thoại đơn lẻ. Trong khi đó, các trận động đất mạnh lại xuất hiện khá hiếm hoi, khiến giới khoa học khó có thể kết nối được những sự kiện này lại với nhau và rất khó nghiên cứu tác động trên thực tế, cho đến khi diễn ra trận di cư của cóc vùng L'Aquila. Theo ghi nhận của chuyên gia Rachel Grant đến từ Đại học mở của Anh, dân số cóc từ gần 100 con rớt xuống trong vòng 3 ngày tại một cái ao ở vùng này. Sau khi ghi nhận sự kiện trên trong bài quan sát của chuyên san Journal Zoology, Grant nhận được cuộc gọi từ Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), theo BBC. Nhóm NASA do Friedemann Freund dẫn đầu lúc đó đang nghiên cứu những thay đổi vật lý diễn ra khi đá của vỏ trái đất trải qua sức ép khủng khiếp. Họ tự hỏi liệu những thay đổi này có liên quan đến sự di cư hàng loạt của cóc?
Khi kết hợp nghiên cứu, đội ngũ chuyên gia Anh, Mỹ tìm được chứng cứ cho thấy hành vi của động vật có thể được tận dụng để dự báo động đất. Theo báo cáo đăng trên International Journal of Environmental Research and Public Health, các nhà khoa học miêu tả một cơ chế theo đó những phần đá của vỏ trái đất khi chà xát vào nhau (do lực đẩy khủng khiếp của các đĩa kiến tạo) đã phóng ra những hạt mang điện tích tương tác. Khi các ion thoát lên gần mặt đất, chúng sẽ tương tác với mạch nước ngầm hoặc không khí xung quanh. Những ion mang điện tích dương dạng này có thể gây ra cơn nhức đầu và gây ói mửa ở con người, đồng thời làm tăng nhanh liều lượng serotonin, hormone gây stress trong máu động vật, theo tiến sĩ Freund. Khi tương tác với môi trường nước, chúng có thể biến thành hỗn hợp độc hại hydrogen peroxide (H2O2). Đó là lý do tại sao cóc buộc phải nhanh chóng rời đi trong một môi trường nước như vậy.
Tiến sĩ Freund cho hay đây là lần đầu tiên cơ chế dẫn đến hành vi tiên tri của động vật được chứng minh về mặt khoa học. Nhóm của ông cho rằng đã đến lúc giới khoa học nên công nhận giác quan thứ sáu của sinh vật trong việc dự đoán được chính xác khả năng xảy ra động đất.