Các nhà khoa học đã ghi lại bằng chứng đầu tiên về việc bọt biển bò quanh đáy biển, sau khi chụp được những bức ảnh về những dấu vết màu nâu kỳ quái do những sinh vật di động đáng kinh ngạc ở Bắc Cực để lại.
Những con đường màu nâu kì quái ở Bắc Cực là dấu vết để lại của bọt biển.
Bọt biển là một trong những nhóm động vật lâu đời nhất được tìm thấy trên Trái đất, có niên đại khoảng 600 triệu năm vào thời kỳ Tiềncambrian. Các nhà khoa học từ lâu đã cho rằng loài động vật này tạo thành những bộ xương dày đặc, nhưng xốp. Chúng ít vận động và hầu như không có khả năng di chuyển.
Vào năm 2016, một nhóm nhà nghiên cứu trên tàu phá băng Polarstern đã sử dụng máy ảnh kéo để quay cảnh đáy biển tại Langseth Ridge, một khu vực ít được nghiên cứu của Bắc Băng Dương.
Tại đó, họ phát hiện ra một trong những nhóm bọt biển đông dân cư nhất từng thấy. Nhóm nghiên cứu cho biết trong một bài báo nghiên cứu mới, họ cũng phát hiện một số đường mòn màu nâu bất thường theo sau các động vật không xương sống, cho thấy rằng những con bọt biển Bắc Cực này có khả năng bò xung quanh đáy biển.
Đồng tác giả Autun Purser, một nhà sinh thái học biển sâu tại Viện Alfred Wegener tại Trung tâm Nghiên cứu Biển và Địa cực Helmholtz ở Đức cho biết: "Bọt biển dường như nở ra dọc theo đường đi, sau đó co lại đến vị trí mới, đã di chuyển. Trong quá trình này, một số gai gãy ra, tạo thành những đường mòn".
Ba loài bọt biển - Geodia parva, Geodia hentscheli và Stelletta rhaphidophora - được tìm thấy tại Langseth Ridge, khiến nó trở thành nơi có nhiều bọt biển nhất từng được tìm thấy.