Gian nan hành trình truy tìm kho báu nhà Minh chìm đáy biển

Các nhà khoa học tin rằng vị trí con tàu vận tải chở đầy kho báu từ thời nhà Minh của Đô đốc Trịnh Hòa chìm dưới đáy Ấn Độ Dương hơn 600 năm trước có thể đã được xác định.

Trong cuộc hải chiến khốc liệt giữa hải quân nhà Minh (1368-1644) và người bản địa ngoài khơi Sri Lanka hơn 600 năm trước, một tàu vận tải khổng lồ chở theo vàng, đá quý và nhiều đồ tạo tác có giá trị đã bị đánh đắm và chìm xuống đáy Ấn Độ Dương.

Con tàu là một phần trong hạm đội viễn chinh của Đô đốc Trịnh Hòa, một trong những nhà hàng hải lớn. Vị trí chính xác nơi con tàu chất đầy kho báu của Trịnh Hòa chìm dưới đáy đại dương tới gần đây vẫn còn là ẩn số.

Tuy nhiên, bức màn bí mật có thể sẽ được vén lên. Mới đây, các nhà khoa học cho biết nghiên cứu khảo cổ có thể sẽ sớm tiết lộ vị trí con tàu đắm của Trịnh Hòa cùng kho báu khổng lồ đã tuyệt tích từ thời nhà Minh.


Tranh vẽ Đô đốc Trịnh Hòa. (Ảnh: SCMP).

Từ thái giám tới đô đốc viễn dương

Trịnh Hòa sinh năm 1371 trong một gia đình Hồi giáo. Ông từng là thái giám phục vụ trong hoàng cung nhà Minh trước khi trở thành một nhà hải dương phiêu lưu trên những chuyến thám hiểm dài ngày.

Từ năm 1405-1433, Trịnh Hòa dẫn đầu 7 chuyến thám hiểm, mở rộng tầm ảnh hưởng của nhà Minh từ Đông Nam Á tới tận bờ Đông của châu Phi. Những con tàu của vị đô đốc chất đầy vàng, bạc, đá quý, lụa và đồ sứ, những món quà gửi tới các quân vương nước ngoài để đổi lại đá quý, ngà voi hay những kỳ trân dị bảo khác.

Đoàn thám hiểm của Trịnh Hòa đặt chân tới Ấn Độ Dương vào khoảng năm 1410-1411. Theo SCMP, đây là thời gian nhà Minh có lực lượng hải quân hùng mạnh nhất thế giới.

Với hạm đội gồm 300 tàu, Trịnh Hòa cùng quân đội nhà Minh tấn công đảo Ceylon, nay là Sri Lanka để trả đũa hành vi thù địch nhắm vào hạm đội của ông. Dẫu thắng trong cuộc chiến, một tàu vận tải chứa đầy của cải của Trịnh Hòa đã nằm lại ngoài khơi Sri Lanka.

Vén màn bí mật của những con tàu trăm tuổi

Từ năm 2015, một nhóm các nhà khoa học và khảo cổ học sử dụng các thiết bị cảm biến tiên tiến của quân đội đã tiến hành thăm dò đáy biển ngoài khơi Sri Lanka. Kết quả thu được mang lại cho các nhà khoa học hy vọng tìm ra dấu vết của con tàu đắm 6 thế kỷ trước.

Trong một bài viết mới đây của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, các nhà khoa học khẳng định những kết quả thăm dò đáy biển "rất khả quan", vị trí các con tàu đắm hay thậm chí bằng chứng của một số đồ tạo tác cổ có thể đã được xác định.


Một con tàu thuộc hạm đội của Trịnh Hòa được phục dựng dựa trên các ghi chép của sách sử. (Ảnh: Pinterest).

SCMP cho biết các nhà khoa học của chính phủ Trung Quốc và các nhà khảo cổ Sri Lanka sẽ tiến hành thăm dò một lần nữa tại khu vực vào tháng 11 này.

"Việc thăm dò vẫn ở những bước đầu tiên. Chúng tôi sẽ sử dụng những thiết bị tiên tiến nhất được mang tới từ Trung Quốc", giáo sư Prishanta Gunawardhana từ cơ quan khảo cổ Đại học Kelaniya cho biết. Ông cũng là người đứng đầu nhóm nghiên cứu của Sri Lanka.

Trung Quốc dự kiến triển khai hệ thống radar tích hợp có thể cung cấp hình ảnh dưới nước với độ phân giải cao. Hu Changqing, giám đốc Phòng nghiên cứu Âm học tại Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, là người đứng đầu phái đoàn khoa học của Trung Quốc trong đội thăm dò hỗn hợp.

Bắc Kinh từ lâu đã tài trợ cho các nghiên cứu dọc tuyến hải trình năm xưa của hạm đội do Trịnh Hòa chỉ huy, tới tận vùng Trung Đông và bờ Đông châu Phi. Dự án thăm dò tại Sri Lanka chỉ là một trong số nhiều nghiên cứu đang được tiến hành.

Gian nan hành trình truy tìm kho báu

Để hoạt động tại độ sâu tới 7km dưới đáy Ấn Độ Dương, Trung Quốc sẽ phải triển khai những tàu ngầm loại nhỏ biệt danh Giao Long.

"Nếu điều kiện thời tiết cho phép hoạt động của các thiết bị quang học, chúng tôi sẽ gửi tàu Giao Long (có thể mang theo 3 người) xuống đáy biển để tìm hiểu kỹ càng hơn các mảnh vỡ và thu thập các mẫu phân tích", Zhu Min, một thành viên từ Viện Hàn lâm và Khoa học Trung Quốc, nói với SCMP.

Trong trường hợp các nhiệm vụ do con người thực hiện là bất khả thi do điều kiện tự nhiên không cho phép, nhóm nghiên cứu sẽ sử dụng các robot có thể hoạt động dưới đáy biển để khảo sát thực địa.

"Các cấu trúc gỗ của con tàu có thể tồn tại nhiều thế kỷ trong nhiệt độ và độ mặn phù hợp của nước biển", Zhu Min cho biết.


Các tuyến hải trình của Đô đốc Trịnh Hòa. (Ảnh: SCMP).

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất với công tác tìm kiếm là phân tách các mảnh vỡ của con tàu với đá cuội và những mảnh vỡ khác do con người tạo ra, những thứ trông "giống hệt với tàn tích của con tàu đắm".

Điều kiện tự nhiên không phải là mối đe dọa duy nhất cho công tác tìm kiếm.

Những kẻ săn kho báu từ lâu đã thèm khát tiếp cận thông tin những con tàu huyền thoại của Trịnh Hòa. Các nhà khoa học lo ngại những nhòm tìm kiếm tư nhân tiếp cận khu vực thăm dò có thể gây ra những hư hại không thể khắc phục.

Bên cạnh đó, việc Bắc Kinh triển khai hoạt động tìm kiếm tại Ấn Độ Dương có thể là cái gai trong mắt New Delhi. Các cuộc thăm dò trước đó ngoài khơi Sri Lanka đều nằm dưới sự giám sát nghiêm ngặt từ phía Ấn Độ.

"Ấn Độ Dương có vai trò quan trọng đối với Ấn Độ. Bất kỳ hoạt động nào của Trung Quốc tại khu vực cũng có thể gây ra căng thẳng", một thành viên nhóm nghiên cứu cho biết.

Cập nhật: 06/11/2017 Theo Zing
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video