Giới thiệu robot bạch tuộc mới có thể di chuyển linh hoạt như "hàng thật"

Con robot mà nhóm của Laschi tạo ra vô cùng linh hoạt và có khả năng phản ứng với môi trường tốt hơn so với các loại robot khác.

Các nhà nghiên cứu tại trường Sant'Anna thuộc Viện nghiên cứu Cao cấp ở Pisa, Ý đang thử nghiệm một con robot bạch tuộc trông như sản phẩm bước ra từ bộ phim khoa học viễn tưởng kinh dị nào đó.

Đây là một trong những sản phẩm của Cecilia Laschi, một giáo sư tại Viên Robot sinh học Sant'Anna, cô cũng là một trong những người tiên phong trong lĩnh vực "robot mềm". Cô đã dành phần lớn sự nghiệp của mình để nghiên cứu robot sinh học khác xa với những robot bằng kim loại mà ta thường nghĩ đến.


Robot bạch tuộc có thể bơi, bò và cầm nắm.

"Cơ thể của robot rất khác với sinh vật sống, đặc biệt là do phần khung cứng của chúng", Laschi cho biết. "Trong cơ thể sống, phần thân mềm có thể biến dạng để tương tác với môi trường, và điều này được khai thác để đơn giản hóa việc kiểm soát các chuyển động. Bạch tuộc là loài vật tiêu biểu nhất để tìm hiểu các chuyển động và hành vi khác nhau mà một cơ thể mềm có thể làm được. Chúng tôi đã nghiên cứu loài động vật này và cùng với nhiều công nghệ khác nhau để tạo ra một robot bạch tuộc có thể cầm nắm, đi và bơi".

Con robot mà nhóm của Laschi tạo ra vô cùng linh hoạt và có khả năng phản ứng với môi trường tốt hơn so với các robot khác. "Đây là lĩnh vực tương đối mới nhưng rất có tiềm năng về việc cho thấy những gì robot có thể làm", Laschi cho biết.


Robot bạch tuộc này có khả năng chuyển động linh hoạt trên địa hình gồ ghề.

Một trong những ưu điểm của robot bạch tuộc này là nó không đòi hỏi sức mạnh máy tính quá nhiều. Nó cũng có khả năng chuyển động linh hoạt trên địa hình gồ ghề. Trên thực tế, nó có thể được dùng trong thăm dò môi trường biển hoặc thậm chí trong lĩnh vực y tế sinh học.

Con robot này đã được thử nghiệm tại biển Địa Trung Hải vào đầu năm nay, nó có thể di chuyển bằng cách hút chất lỏng vào trong cơ thể và sau đó đẩy chúng ra để lấy đà chuyển động, hoặc sử dụng 8 xúc tu để bò trên đáy biển. Để thay thế phần thân của bạch tuộc, Laschi và nhóm của cô đã sử dụng chất liệu Electroactive Polymer, vốn có thể thay đổi hình dạng khi tiếp xúc với điện.


Robot này có thể di chuyển bằng cách hút chất lỏng vào trong cơ thể và sau đó đẩy chúng ra để lấy đà chuyển động.

Laschi cho biết nhóm đã thành công trong việc nghiên cứu dự án bạch tuộc này, nhưng các công việc liên quan thì vẫn tiếp tục diễn ra. "Chúng tôi luôn có nhiều hơn một dự án về chủ đề nghiên cứu", cô nói. "Chúng tôi đang nghiên cứu ứng dụng sinh học của nó. Chúng tôi đã phát triển một ống nội soi mềm để phục vụ y học, và tạo ra những xúc tu mềm để hỗ trợ người cao tuổi tắm...Ủy ban Châu Âu đã hỗ trợ các dự án này".

Theo Laschi, các robot mềm sẽ là công nghệ chủ lực trong tương lai, liệu cô có đoán đúng hay không? Hãy cùng chờ xem.

Cập nhật: 22/08/2016 Theo Trí Thức Trẻ
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video