Giới khoa học vừa xác nhận giới tuổi teen rất dễ bị lôi vào cuộc khi chứng kiến những người đồng trang lứa có hành vi tương tự, cụ thể là thực hiện những hành động nguy hiểm để xem “ai lợi hại hơn”.
Và với sự phổ biến của những trò chơi trên mạng xã hội như thách thức “TidePod”, theo đó thanh thiếu niên thách nhau nuốt viên bột giặt khiến giới chức Mỹ phải lên tiếng báo động, giới chuyên gia cảnh báo rằng sẽ ngày càng khó hơn trong việc bảo vệ con cái tuổi teen trước ảnh hưởng độc hại từ bên ngoài.
Trước đó, game mang tên Thách thức Cá Voi Xanh (Blue Whale) cũng đã khiến hàng chục thanh thiếu niên thiệt mạng khi thuyết phục người chơi xem phim kinh dị, làm các hành động hành hạ bản thân và cuối cùng tự sát.
Giới trẻ không nên bắt chước các hành vi rủi ro của người đồng trang lứa. (ẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK).
Trong nghiên cứu mới, trưởng nhóm - tiến sĩ Livia Tomova của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT-Mỹ) - đã nghĩ ra một trò chơi không nguy hiểm nhưng có thể phản ánh được suy nghĩ của người chơi trong việc thực hiện các hành động rủi ro.
Theo báo cáo trên chuyên san Scientific Reports, họ đề nghị 52 sinh viên tham gia trò chơi bơm bong bóng kiếm tiền. Nếu bong bóng nổ người chơi sẽ không được trả tiền và nguy cơ bong bóng nổ sẽ gia tăng sau mỗi lần bơm.
Sau vòng đầu tiên, những người tham gia cho hay họ sẽ theo dõi những người khác làm thế nào thì làm theo như thế đó.
Điều này có nghĩa là các sinh viên nhiều khả năng cứ bơm bóng đến sát ngưỡng nổ tung nếu người đồng trang lứa cũng làm như thế.
“Trong cuộc sống hằng ngày, con người chúng ta thường xuyên phải đối mặt với những quyết định có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với bản thân”, theo tiến sĩ Tomova.
“Chẳng hạn, việc lựa chọn có phóng xe lạng lách trên đường, tham gia trò ai uống bia rượu nhiều hơn hoặc quan hệ tình dục với người lạ đều tạo nên ảnh hưởng lớn đối với đời sống của mỗi người”, theo bà Tomova, và giới trẻ hoàn toàn có thể bảo vệ bản thân nếu từ bỏ được suy nghĩ phải hơn thua với bạn bè.