Mặc dù ban tổ chức đã thanh minh, tin đồn về "giường chống chuyện ấy" làm bằng giấy cactông ở làng vận động viên Olympic Tokyo vẫn khiến dân mạng bàn tán sôi nổi.
Những ngày qua, dân mạng bàn tán về những chiếc giường làm bằng giấy cactông ở làng vận động viên Olympic Tokyo. Nhiều người tự hỏi giường thiết kế "mỏng manh" vậy có phải để ngăn những người nằm trên "vận động mạnh" quá không.
Giường làm bằng giấy cactông và nệm polythene ở làng Olympic Tokyo - (Ảnh: AFP).
Trò đùa "giường chống chuyện ấy" được tung ra đầu tiên bởi Paul Chelimo - vận động viên điền kinh người Mỹ đoạt huy chương bạc cự ly chạy 5.000m ở Olympic Rio năm 2016.
"Mục đích của cái giường này là để ngăn các vận động viên làm tình. Giường chỉ chịu được sức nặng của một người để tránh các tình huống vượt quá thể thao. Tôi thì không thấy vấn đề gì với vận động viên chạy đường dài, thậm chí 4 người chất lên cũng được..." - Chelimo viết trên Twitter.
Chelimo chia sẻ về chiếc giường tại Olympic. (Ảnh: TWITTER).
Nhưng thực tế không phải vậy, ban tổ chức cố tình làm giường bằng giấy cactông, nệm thì bằng hạt nhựa polythene để có thể tái chế sau khi thế vận hội kết thúc. Nhà sản xuất Airweave cho biết chiếc giường dài 2,1m có thể chịu được trọng lượng tối đa 200kg.
"Nó còn cứng cáp hơn cả giường gỗ" - ông Takashi Kitajima, quản lý làng vận động viên, cho biết.
Kể từ Olympic Seoul năm 1988, bao cao su luôn được phát cho các vận động viên tham gia thế vận hội để nâng cao nhận thức về bệnh AIDS.
Ban tổ chức Olympic Tokyo cũng dự định phát 150.000 bao cao su, nhưng để phòng ngừa Covid-19, các vận động viên chỉ được nhận như quà lưu niệm khi chuẩn bị về nước, còn trong thời gian ở thì không.
Ngoài ra, vận động viên được khuyến khích "hạn chế đụng chạm ở mức tối thiểu", ví dụ như ôm, hôn hoặc bắt tay.
Sách hướng dẫn Tokyo 2020 có nhiều quy định phòng dịch mà nếu vi phạm, vận động viên có thể bị phạt tiền, đánh trượt, thu hồi huy chương, thậm chí đuổi về nước.