Gương mặt nhà khoa học: Nữ tiến sĩ “cá heo”

Sau nhiều lần liên lạc, chị đồng ý tiếp nhà báo tại Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga (Bộ Quốc phòng). Điều không ngờ là chị, một sĩ quan quân đội cấp thượng tá, lại trẻ đẹp hơn nhiều so với tuổi đời. Chị chính là nhà khoa học nữ - tiến sĩ Nguyễn Thị Nga, phó giám đốc khoa học chi nhánh phía nam Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, người đã mang lại cho nông dân có thêm lựa chọn về kinh doanh cá trê vàng tam bội, đã sử dụng công nghệ hoá - sinh học để xử lý làm sạch cho nước biển ở Khu du lịch Suối Tiên. Và mới đây, chị được mệnh danh là "nữ tiến sĩ cá heo Việt Nam".

Lội ao “lên đời” cá trê vàng

TS Nguyễn Thị Nga

Chị cho biết, cá bình thường có bộ nhiễm sắc thể lưỡng bội (2n), nếu đem đi sốc nhiệt (một kỹ thuật của công nghệ sinh học) thì sẽ có được bộ nhiễm sắc thể tam bội (3n). Cá tam bội sẽ có sức sống, tốc độ lớn nhanh hơn cá lưỡng bội. Hiện tại, ở thị trường đang nuôi thông dụng ba giống cá trê vàng, trê phi, trê lai. Ưu điểm của ba giống này là có chu kỳ nuôi ngắn, cá chịu ăn tạp nên cũng "nhẹ gánh" phần nào về nguồn thức ăn, và chất lượng thịt khá ngon. Nhưng ba giống này cũng có những hạn chế như chậm lớn, khả năng kháng chịu bệnh không cao. Cá trê vàng tam bội, bên cạnh những ưu điểm như ba giống cá trê kể trên, còn tránh được những hạn chế mà ba giống này mắc phải...

Cơ chế chung để "lên đời" cho cá trê vàng, phải nghe thì mới thấy không đơn giản. Phải mất gần ba năm, kế hoạch "lên đời" cá trê vàng mới hoàn tất. Chị nhớ lại: "Trong gần ba năm này, nhóm nghiên cứu hết vào phòng thí nghiệm lại ra... lội ao, nghiên cứu thử nghiệm việc ươm giống. Khi đã thành công được công đoạn này thì lại nghiên cứu tiếp bí quyết để ổn định quy trình sản xuất giống. Rồi khi đưa được cá trê vàng tam bội ra ao, thì lại tiếp tục theo dõi quá trình sinh sống của chúng".

Chị cho biết, trong cùng một điều kiện nuôi, thời gian nuôi (4 tháng) cá trê vàng thường thu hoạch được 27,66 tấn/hécta, còn cá trê vàng tam bội là 34,01 tấn/hécta. Tính ra năng suất cá trê vàng tam bội cao hơn cá trê vàng thường 7,35 tấn/hécta (khoảng 21,61%). Về chất lượng, mùi vị của thịt, xét ở góc độ cảm quan, cả hai giống cá trê vàng thường và cá trê vàng tam bội đều giống nhau. Tuy nhiên xét ở góc độ "cân, đong, đo, đếm" thì thịt của cá trê vàng tam bội có hàm lượng lipid, các acid amin thiết yếu (trừ methionine), acid béo thiết yếu... cao hơn so với cá trê vàng thường.

Bà con nông dân - những người trực tiếp nuôi thử giống cá mới nghiên cứu - đã kết luận rằng cá trê vàng tam bội nuôi "ngon" hơn cá trê vàng thường. Sau 4 tháng nuôi thử nghiệm giống cá trê tam bội, anh Trần Viết Huy, ở xã Long Đức, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai đã cho nhận xét ngắn gọn: khả quan! Tính ra một ký cá trê vàng tam bội anh bán được từ 16.000 - 18.000 đồng, trong khi cá trê vàng thường chỉ bán được 9.000 - 10.000 đồng.

TS Nga và các chuyên gia Nga đang thuần dưỡng cá heo.

Anh Huy còn cho biết thêm, so với cá trê vàng thường, cá trê vàng tam bội lớn nhanh hơn, ít bệnh hơn..., và "đề nghị mấy anh, chị khoa học ở chỗ Việt - Nga tiếp tục cung cấp cho tui giống cá trê vàng tam bội này". Không chỉ có anh Huy, mà những hộ nông dân khác ở quận 12, quận 9, quận Thủ Đức... sau khi nuôi thử nghiệm bước đầu, cũng đều muốn được tiếp tục đầu tư mở rộng nuôi giống cá trê vàng tam bội của cô Nga!

Ra biển dụ cá heo

Năm 1976 tốt nghiệp đại học ngành sinh học, chị Nga học tiếp lên thạc sĩ rồi về giảng dạy tại Đại học Sư phạm Hà Nội 2. Từ năm 1985 - 1989, chị làm nghiên cứu sinh và lấy học vị tiến sĩ tại Viện Hàn lâm Khoa học Nga, sau đó về công tác tại Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga.

Từ năm 1990 đến nay, chị đã dành nhiều thời gian và công sức để nghiên cứu về cá heo, đã từng tham gia bắt cá heo ở biển Đông Việt Nam về thuần hoá, thích nghi chúng trong điều kiện bị nuôi. Đề tài của chị được Sở Khoa học và công nghệ TP.HCM đánh giá xuất sắc, được hội đồng nghiệm thu đề nghị nâng cấp triển khai nghiên cứu ứng dụng cấp nhà nước. Công trình thuần hoá và huấn luyện cá heo Việt Nam của tiến sĩ Nga đã mở ra một khả năng mới: người Việt Nam giờ đây có thể dụ bắt, huấn luyện, nuôi dưỡng và dạy dỗ cá heo... biểu diễn xiếc.

Chị cho biết, đầu tiên công việc đưa đẩy chị đến với cá heo, nhưng sau đó các chú cá heo đã... mê hoặc chị. Chị say sưa kể về chuyến dụ bắt cá heo vào tháng 5.2002: "Cá heo có đặc tính thích đùa vui. Chúng tôi đã cho tàu chạy đua, đùa giỡn với chúng. Khi chúng hứng thú phóng lên khỏi mặt nước nhào lộn, thì chúng tôi néo vòng thít đuôi rồi quây bắt. Vì cá heo rất nhạy cảm nên các cộng sự của tôi phải nhảy xuống biển ôm ấp nói chuyện vỗ về chúng...".

Một trại nuôi cá trê phi vàng tam bộ

Đợt đó có tổng cộng 8 chú cá heo sa lưới, nhưng sau khi lựa chọn, các chuyên gia chỉ bắt một con duy nhất để thuần dưỡng - huấn luyện. Nghe thì dễ, nhưng công việc không đơn giản. Là chủ nhiệm đề tài, chị đã cùng các cộng sự người Nga và người Việt mất 5 tháng ròng rã với hơn chục chuyến lênh đênh trên biển Kiên Giang. Trước đó, họ đã mất một năm rưỡi để khảo sát biển Bình Thuận nhưng không có kết quả. Việc dụ bắt, thuần dưỡng - huấn luyện cá heo ở Việt Nam lần đầu tiên được thực hiện thành công là điều làm cho giới khoa học vô cùng phấn khởi.

Đoàn chuyên gia Việt, với sự hỗ trợ của các chuyên gia Nga, đã lênh đênh trên biển suốt 300 ngày để khảo sát về cá heo ở một số vùng biển Việt Nam. Công việc cực kỳ khó khăn và vất vả. Mãi đến đầu năm 2003, đoàn khảo sát mới dụ bắt được một cặp cá heo một đực, một cái tại vùng biển Kiên Giang. Tuy nhiên, trong quá trình vận chuyển các chuyên gia nhận thấy con cái sức khoẻ không đảm bảo nên quyết định thả lại biển. Còn con đực được chuyển về lưu giữ, thuần hoá thích nghi trong bè tại đảo của Kiên Giang.

Chị cho biết, kết quả phân loại dựa theo hình thái đã xác định đây là cá heo loài Tursiops aduncus và được đặt tên là "Anh Hùng" (Anh là tên của một cán bộ nghiên cứu trẻ Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga và Hùng là tên của viên thuyền trưởng giúp đoàn dụ bắt cá). "Anh Hùng" nặng 110kg, dài 1,95m và được khoảng hai tuổi rưỡi. Các chuyên gia đánh giá đây là con cá heo rất thông minh và tình cảm, thân thiện, đặc biệt thích nghi rất nhanh.

Chị Nga tâm sự: "Nhưng, dù làm gì đi nữa thì mình vẫn luôn tự chỉ đạo và hoàn thiện chính mình, luôn học hỏi và phải làm tốt công việc của người vợ, người mẹ. Là phụ nữ thì phải... "phụ nữ" mới được mọi người quý mến. Vinh quang đến mấy mà con cái không ngoan, gia đình không êm ấm thì cũng rất khổ. Cũng may là ông xã rất hiểu công việc của mình, hai đứa con đều học giỏi, đều đã tốt nghiệp đại học và đang học lên tiến sĩ. Sự lạc quan, yêu đời trong mọi tình huống không chỉ là đức tính của người làm khoa học mà còn là phẩm chất của người phụ nữ trong cuộc sống".

Hoàng Dũng Huệ

Theo Sài Gòn tiếp thị
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video