Hài cốt 40.000 năm tiết lộ bằng chứng các loài người khác biến mất

Khi loài Homo sapiens chúng ta xuất hiện, thế giới có tận 8-9 loài người khác. Nhưng họ đều tuyệt chủng dần một cách bí ẩn.

Theo SciTech Daily, hài cốt của một người đàn ông Neanderthals được tìm thấy trong một hang động ở Pháp đã tiết lộ bằng chứng về sự biến mất của loài người cổ đại này.

Neanderthals là loài người được cho là có nhiều điểm tương đồng với loài Homo sapiens chúng ta nhất trong chi Homo (chi Người), vốn có khoảng 8-9 loài vào thời điểm 300.000 năm trước, khi loài chúng ta xuất hiện.

Bất chấp có sức khỏe tốt, bộ não lớn và sự phát triển đáng kinh ngạc về kỹ năng chế tác công cụ, vật dụng, săn bắn, tổ chức xã hội..., họ vẫn biến mất một cách bí ẩn.


Thành viên của một cộng đồng biệt lập thuộc loài người cổ Neanderthals đã được tìm thấy trong một hang động ở Pháp - (Minh họa AI: ANH THƯ).

Giờ đây, thông qua người đàn ông Neanderthals ở Pháp, nhóm nghiên cứu từ Viện Globe thuộc Đại học Copenhagen (Đan Mạch) ủng hộ một trong những giả thuyết lớn về sự tuyệt chủng này.

PGS Martin Sikora, tác giả chính, giải thích: “Bộ gene người Neanderthals mới tìm thấy có nguồn gốc khác với những người Neanderthals muộn khác đã được nghiên cứu trước đây, ủng hộ quan điểm rằng tổ chức xã hội của họ khác với chúng ta".

Cụ thể hơn, bộ gene của người đàn ông được xác định sống vào khoảng 40.000 năm trước, cho thấy không có mối liên hệ gần gũi nào về mặt di truyền với các cộng đồng Neanderthals đã biết trong khu vực.

Điều này chứng minh người đàn ông này thuộc về một dòng dõi Neanderthals đến từ nơi xa xôi nào đó, không bị pha trộn dòng máu trong nhiều thế hệ, tức cộng đồng của ông sống rất biệt lập.

Theo PGS Sikora, nhiều bộ gene của loài người này trước đây đã để lộ các dấu vết tương tự của tình trạng giao phối cận huyết, điều sẽ gây nên sự thiếu đa dạng về mặt di truyền.

Vì vậy, các nhà khoa học cho rằng họ đã sống theo nhóm nhỏ trong nhiều thế hệ và đó có thể là thói quen của loài.

"Chúng ta biết rằng cận huyết làm giảm sự đa dạng về mặt di truyền trong một quần thể, điều này có thể gây bất lợi cho khả năng sống sót của họ nếu nó xảy ra trong thời gian dài" - PGS Sikora phân tích.

Như vậy dường như người Neanderthals rất khác với tổ tiên chúng ta về quan điểm tìm bạn đời.

Nhiều bằng chứng cổ nhân loại học trước đây cho thấy người Homo sapiens đã có thói quen trao đổi hôn nhân giữa các cộng đồng xa xôi từ rất lâu.

Thậm chí tổ tiên chúng ta giao phối với cả người Neanderthals và dường như đó là mối quan hệ theo kiểu một người Homo sapiens chủ động sang sống với cộng đồng khác loài.

Nói cách khác, so với loài người cổ này, loài được mệnh danh là "người tinh khôn" chúng ta ngay từ ban đầu đã có nhiều khả năng kết nối với các nhóm khác hơn.

Đó là một lợi thế cho quần thể về mặt sinh tồn.

Không loại trừ khả năng các loài người khác cũng đã đi theo con đường tương tự cộng đồng của người đàn ông khác loài ở Pháp, vì các nghiên cứu trước đó cho biết các loài khác không phát triển về mặt xã hội tốt như người tinh khôn.

Tuy vậy, các loài người cổ Neanderthals hay Denisovans theo cách nào đó vẫn tồn tại giữa chúng ta, hay nói đúng hơn là giữa DNA của chúng ta được truyền lại thông qua các cuộc "hôn nhân" dị chủng xảy ra hàng chục ngàn năm trước.

Nghiên cứu mới vừa được đăng tải trên tạp chí khoa học Cell Genomics.

Cập nhật: 17/09/2024 NLĐ
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video