Thí nghiệm mới đây của các nhà khoa học Mỹ đã khẳng định việc hai ông bố vẫn có thể có con chung không còn là một điều tưởng tượng nữa mà đã có triển vọng trở thành thực tế.
Ảnh minh họa: internet
Tiến sỹ Richard R. Berhinger đứng đầu nhóm các nhà khoa học Mỹ ở Trung tâm nghiên cứu ung thư Anderson M.D tại Texas, đã có khả năng biến đổi các tế bào lấy từ một bào thai chuột đực mang nhiễm sắc thể XY để tạo ra dòng tế bào gốc biệt lập (induced pluripotent stem cell - iPS).
Tế bào iPS là những tế bào trưởng thành được thay đổi một số gen để có thể trở thành giống tế bào thai gốc. Một số tế bào phát triển từ dòng tế bào này đã lập tức mất đi nhiếm sắc thể Y để trở thành nhiễm sắc thể giống cái (XO).
Những tế bào mang nhiễm sắc thể XO được cấy vào các phôi lấy từ chuột cái và đưa vào dạ con chuột mẹ. Kết quả chuột mẹ đã sinh ra những con chuột con mang một nhiễm sắc thể X của chuột đực ban đầu. Những con chuột cái này lớn lên được ghép với một chuột đực bình thường sinh ra những con chuột cái và chuột đực con mang gen của cả hai chuột bố.
Tiến sỹ Richard R. Berhinger khẳng định bằng cách thay đổi kỹ thuật, nhóm nghiên cứu của ông có thể thay đổi tế bào dịch của chuột cái để tạo ra dòng con cái (cả đực lẫn cái) từ hai mẹ.
Ông Berhinger cho rằng thành công của kỹ thuật nêu trên là một bước tiến có thể giúp các cặp đồng tính có con chung vào một thời điểm nào đó. Tuy nhiên, việc áp dụng kỹ thuật này cho con người đòi hỏi còn mất nhiều thời gian.