Hải Phòng khai quật khẩn cấp 13 cọc gỗ nghi của trận chiến Bạch Đằng

UBND TP Hải Phòng vừa có quyết định khai quật khảo cổ khẩn cấp 13 cọc gỗ phát hiện tại xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên.

Theo đó, TP cho phép Viện Khảo cổ học chủ trì, phối hợp với Bảo tàng Hải Phòng, UBND huyện Thủy Nguyên khai quật khảo cổ khẩn cấp khu vực ao cá nhà ông Đào Văn Đến ở thôn 11, xã Lại Xuân.

Chủ trì khai quật là Tiến sĩ Bùi Văn Hiếu, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Nghiên cứu Khảo cổ học Dưới nước thuộc Viện Khảo cổ học.


Khu vực ao nuôi cá của gia đình ông Đến. (Ảnh: Nguyễn Dương).

Theo quyết định này, thời gian khảo cổ từ 18/2 đến 31/3 trên diện tích 400m2.

Trong thời gian này, các cơ quan được cấp giấy phép cần chú ý bảo vệ địa tầng của di tích, có trách nhiệm tuyên truyền cho người dân về việc bảo vệ di sản văn hóa ở địa phương.

Đối với những hiện vật thu thập được trong quá trình khai quật, Bảo tàng Hải Phòng, Sở Văn hóa và Thể thao có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản để tránh bị hư hỏng, thất lạc và báo cáo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND TP phương án bảo vệ và phát huy giá trị.


Một chiếc cọc phát lộ khi ao cá hút cạn nước. (Ảnh: Nguyễn Dương).

Trước đó, ngày 9/2, gia đình ông Đào Văn Đến phát hiện 13 cọc gỗ dưới đáy ao sau khi bơm nước để thu hoạch cá. Ao nuôi cá này có tên là đầm Thượng, trước đây là cồn cát nằm giữa ngã ba sông Kinh Thầy, Đá Vách và Đá Bạc.

Khu vực này cũng là nơi giáp ranh địa giới hành chính của 3 tỉnh thành Hải Phòng, Quảng Ninh và Hải Dương.

Ngày 12/2, các chuyên gia, nhà nghiên cứu thuộc Viện Khảo cổ học Việt Nam đã về xã Lại Xuân để tổ chức khảo sát khu vực phát lộ các cọc gỗ. Kết quả cho thấy một số cọc tại đây đã có dấu hiệu bị hủy hoại như các đầu cọc bị chặt bằng, một số cọc nằm trong bờ kè đá bờ ao.


Khu vực phát hiện bãi cọc Đầm Thượng (khoanh đỏ). (Ảnh: Google Maps).

Các nhà nghiên cứu đánh giá bãi cọc (tạm gọi là Đầm Thượng) mới phát hiện có ý nghĩa rất lớn trong việc nghiên cứu chiến trận Bạch Đằng năm 1288. Đây là bãi cọc thứ 2 được phát hiện ở huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng.

Trước đó, từ ngày 27/11/2019 đến ngày 19/12/2019, Viện Khảo cổ học phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao, Bảo tàng Hải Phòng tiến hành khai quật 3 hố rộng 950 m2 và phát hiện 27 chiếc cọc tại cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê.

Theo các nhà khoa học, di tích bãi cọc Cao Quỳ có thể là một trận địa có niên đại khoảng cuối thế kỷ XIII, nhiều khả năng liên quan đến trận chiến chống quân Nguyên Mông năm 1288 của quân dân nhà Trần.

Cập nhật: 20/02/2020 Theo Zing
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video