Haiti 'sẽ chịu nhiều trận động đất mới'

Các nhà khoa học cảnh báo cơn địa chấn khủng khiếp tại Haiti vào tuần trước có thể chỉ là sự kiện khởi đầu của hàng loạt trận động đất mạnh tại khu vực Caribbe.

 

Người dân Haiti bước trên đường phố đổ nát tại thủ đô Port-au-Prince. Ảnh: Reuters.

Theo Newscientist, đường phay (còn gọi là đường đứt gãy) gây nên trận động đất ngày 13/1 chạy dọc theo hướng tây và đi qua Jamaica. Paul Mann, một chuyên gia địa vật lý của Đại học Texas, Mỹ cho biết, đường phay dài vài trăm km nhưng đoạn gây nên thảm họa tại Haiti chỉ dài chừng 80 km. Có rất nhiều đoạn khác trên đường phay đang tích tụ áp lực trong suốt mấy trăm năm qua. Bất kỳ đoạn nào cũng có thể gây nên trận động đất tương đương cơn địa chấn tuần trước

Một đường phay thứ hai bắt đầu từ phía bắc Haiti và chạy qua nước Cộng hòa Dominica. Đường phay này chưa từng đứt gãy trong 800 năm qua và đã tích tụ đủ áp lực để tạo nên cơn địa chấn 7,2 độ Richter.

Nhiều tài liệu lịch sử cho thấy, cứ sau vài thế kỷ hai đường phay nói trên gây nên những trận động đất mạnh.

"Hai đường phay đặc biệt nguy hiểm bởi những khu vực đông dân như thủ đô Port-au-Prince của Haiti và thủ đô Kingston của Jamaica nằm gần chúng", Paul Mann nói với Newscientist. 

 

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon tới thăm đống đổ nát từng là trụ sở Liên Hợp Quốc tại Haiti vào ngày 17/1. Ảnh: Reuters.


Vùng Caribbe còn có một đường phay thứ ba ở phía đông. Đây cũng là một yếu tố khiến các nhà khoa học lo ngại. Không giống như hai đường phay kia, đường phay thứ ba nằm dưới nước và được tạo nên bởi quá trình dịch chuyển các mảng địa tầng của Đại Tây Dương bên dưới mảng địa tầng Caribbe. Như vậy đường phay thứ ba giống hệt đường phay từng gây nên động đất trên Ấn Độ Dương và trận sóng thần khủng khiếp vào ngày 26/12/2004.

Dữ liệu vệ tinh cho thấy mảng kiến tạo Caribbe đang dịch chuyển về phía đông và trượt qua mảng kiến tạo Đại Tây Dương với tốc độ khoảng 2 cm/năm. Những con số thống kê qua nhiều thập kỷ cho thấy tổng số trận động đất giống như cơn địa chấn hôm 13/1 tại Haiti mới chỉ "ngốn" khoảng một nửa năng lượng của quá trình dịch chuyển này.

Bill McGuire, một nhà khoa học của Đại học London (Anh), lo ngại rằng phần lớn sức mạnh còn lại đang tích tụ trên đường phay dưới nước. Nếu sức mạnh đó được giải phóng, nó có thể tạo nên một trận sóng thần có sức mạnh hủy diệt tương đương trận sóng thần trên Ấn Độ Dương. McGuire từng thực hiện một nghiên cứu để chứng minh rằng toàn bộ vùng Caribbe, Trung Mỹ, các bờ biển phía bắc của khu vực Nam Mỹ và bờ biển thuộc vịnh phía đông nam nước Mỹ có nguy cơ hứng chịu sóng thần.

Theo VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video