Hăm da do tã lót

Hăm tã khiến trẻ rất khó chịu.

Hăm da do tã lót thường gây đỏ nhẹ và đóng vảy ở vùng da mặc tã. Trong vài trường hợp, vùng da hăm có thể xuất hiện những nốt sẩn đỏ, mụn bóng nước và gây đau.

Nếu bị nhiễm trùng, vùng hăm da trở nên đỏ hơn và da có thể bị sưng. Những nốt đỏ nhỏ có thể lan ra xa khỏi vùng hăm tã.

Tại sao trẻ bị hăm da do tã lót?

Hầu hết hăm đỏ da khi sử dụng tã lót là do da bị kích thích, do tã cọ xát trên da hoặc do mặc tã quá chặt, để tã ướt quá lâu; cũng có trường hợp do da trẻ bị kích thích bởi xà phòng dùng giặt tã, hoặc những loại tã giấy, khăn giấy dùng lau cho trẻ. Mặc quần cho trẻ bằng chất liệu ny-lon ôm vừa khít vùng mông sẽ càng làm tăng nhiệt độ và làm ẩm thêm vùng mặc tã. Vùng da bị kích thích, nóng ẩm làm cho trẻ dễ bị hăm tã hơn và tạo thuận lợi cho mầm bệnh phát triển.

Phòng ngừa và điều trị hăm da

Điều quan trọng nhất để phòng ngừa và điều trị hăm da là phải giữ cho vùng mặc tã sạch, mát và khô. Nên thay tã cho trẻ thường xuyên khi tã ướt hoặc nhiễm bẩn; có những lúc có thể không mặc tã cho trẻ vì da tiếp xúc với khí trời sẽ thoáng hơn và dễ khô. Khi thay tã nên lau sạch vùng bẹn và mông của trẻ bằng nước ấm; có thể dùng một ít xà phòng ít chất kiềm. Nên để cho da trẻ khô hẳn trước khi mặc tã mới vào.

Nên lót tã vải dưới mông của trẻ trong những giấc ngủ. Trẻ nhỏ thường đi tiểu ngay sau khi bắt đầu ngủ, vì thế nên kiểm tra xem tã có ướt không, ngay sau khi trẻ bắt đầu ngủ và thay ngay nếu tã bị ướt.

Không nên dùng phấn thoa lên vùng hăm tã vì sẽ làm lỗ chân lông bít lại, không thoát mồ hôi được. Không dùng những loại kem bôi da có chứa axit boric, cồn, long não, salicylate hoặc hỗn hợp rượu cồn vì có thể gây hại cho trẻ. Tránh cho trẻ mặc quần có chất ny-lon.

Nếu trẻ vẫn bị hăm tã, thay đổi loại khăn giấy lau, tã giấy hoặc xà phòng đang dùng. Nếu vùng hăm tã không đỡ hơn sau vài ngày áp dụng các cách trên, có thể trẻ bị nhiễm trùng vùng hăm tã. Nên đưa trẻ đến khám bác sĩ.

Dùng tã giấy hay tã vải để tránh hăm da?

Tùy vào sự lựa chọn của bạn. Tã giấy thấm ướt tốt hơn và giữ khô ráo sạch sẽ hơn, tiện dụng khi đi ra ngoài. Tã vải thông thoáng hơn và thay đổi thường xuyên hơn, ít tốn kém hơn. Dù dùng tã giấy hay tã vải, điều quan trọng là nên thay tã thường xuyên khi tã ướt và giữ cho vùng da mặc tã luôn khô ráo.

Khi nào cần đưa trẻ đến bác sĩ?

- Hăm da do tã ở trẻ dưới 6 tuần tuổi.

- Mụn mủ hoặc có những vết loét nhỏ.

- Trẻ có sốt, sụt cân hoặc biếng ăn.

- Da bị sưng nề và nổi hạch bẹn.

- Hăm đỏ da xuất hiện ở những vùng khác như trên tay, mặt hoặc da đầu.

- Hăm đỏ da không đỡ hơn sau 1 tuần thử áp dụng những biện pháp điều trị hăm tã như đã nêu trên.

Bác sĩ sẽ khám và tìm xem trẻ có bị nhiễm trùng hoặc nhiễm nấm vùng da bị hăm tã hay không. đồng thời kê toa các loại thuốc uống hoặc thuốc bôi ngoài da cũng như hướng dẫn các biện pháp chăm sóc da thích hợp cho trẻ.
Theo Sức Khỏe & Đời Sống
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video