Hang động dài nhất nước Ý: Được làm từ "xác chết", luôn ngập ánh sáng 24/24

Nhờ có lỗ hổng trên trần nên hang động dài nhất nước Ý - Castellana - luôn rực rỡ ánh Mặt trời. Nhưng hang động này dù không có nắng cũng vẫn ngập sáng, vì trong hang ngọc thạch phát quang.

Castellana nằm trong thị trấn Castellana Grotte, Bari, Puglia, miền Nam Italia, là một hệ thống hang đá vôi điển hình. Chúng được khám phá lần đầu vào năm 1938, với lối vào là một hố sâu 60m.

Cũng nhờ có "cửa ngõ" thăm thẳm này, hang chính của Castellana mới được đặt tên là La Grave, tức "tựa vực thẳm". Ngoài hang chính, Castellana còn các hang phụ khác là Black Cavern, White Cave và Precipice Cavern.

Ăn sâu dưới lòng đất tại "gót của chiếc ủng"

Trên thế giới, Italia không chỉ nổi tiếng là nơi khởi nguồn của văn hóa Châu Âu, sở hữu nhiều công trình kiến trúc cổ đậm bản sắc La Mã, mà còn được biết đến với cái tên "đất nước hình chiếc ủng". Sở dĩ có biệt danh này là vì lãnh thổ của Ý có hình dạng y như một cái bốt cao gót vậy.

Castellana nằm trong vùng đất đóng vai trò là phần gót của chiếc ủng này – Puglia.


Puglia.

Vốn dĩ, Puglia là một khu vực khắc nghiệt. Mặc dù địa hình không đến nỗi quá dốc, ngay cả đỉnh núi cao nhất cũng mới chỉ khoảng hơn 1000m so với mặt nước biển. Thế nhưng chất lượng đất ở đây lại nghèo nàn dinh dưỡng, khí hậu cũng chẳng mấy ôn hòa. Mùa khô luôn nắng nóng, thiếu nước, có lúc lên tới hẳn 40 độ C. Mùa đông tuy ít lạnh giá hơn so với các khu vực khác, nhưng gần đây lại đã xuất hiện cả tuyết.


Thiên nhiên tại Puglia rất khắc nghiệt, bù lại thắng cảnh đẹp mê hồn.

Nhưng dường như là để bù đắp cho sự khó tính, thiên nhiên tặng lại cho Puglia những thắng cảnh đẹp mê hồn. Castellana là một trong số đó. Nằm trong cao nguyên đá vôi được hình thành từ khoảng 90-100 triệu năm trước, nó lắt léo ăn sâu vào lòng đất. Với chiều dài 3348m, Castellana nổi danh là hang động dài nhất nước Ý.

Bắt đầu từ xác chết của động thực vật biển

Trước khi trồi lên khỏi mặt nước từ khoảng 90-100 triệu năm trước, vùng đất chứa hang Castellana là "nhà" hằng hà sa số các loài thân mềm có vỏ dưới biển và rong, tảo. Hàng triệu năm trôi qua, xác của vô số thế hệ chất chồng, tạo nên lớp đá vôi dày đến cả ngàn mét.

Qua thời gian, lớp đá vôi từ xác động thực vật ấy càng lúc càng dày. Cuối cùng, vào khoảng 66 triệu năm về trước, chúng trồi lên khỏi mặt nước, hình thành khu vực Puglia như bây giờ.


Hàng triệu năm trôi qua, xác của vô số thế hệ chất chồng, tạo nên lớp đá vôi dày đến cả ngàn mét.

Thuở mới nổi lên, Puglia rất cứng chắc. Nhưng cũng vì liền mạch, nó không chịu nổi áp lực, sinh ra đứt gãy tứ tung. Nước mưa dần tích tụ trong các vị trí đứt gãy, tạo nên những "bóng" và mạch nước ngầm. Mỗi ngày, nước ngầm lại tỉ mẩn hòa tan đá vôi. Lâu dần, chúng mở rộng diện tích, khiến khoảng trống trở nên to lớn.

Tại một số vị trí giao điểm của các mạch nước ngầm, hiện tượng sụt đất đã xảy ra, hình thành các hố như "miệng giếng trời". Cửa vào của Castellana là một hố sụt như thế.

Vẫn tồn tại sự sống

Độ cao của hang Castellana so với mặt nước biển rơi vào khoảng 330m. Ở vị trí sâu nhất, nó đạt 122m. Khác với bên ngoài nóng bức, trong hang nhiệt độ khá lý tưởng, thường rơi vào tầm 18 độ C.

Mỗi khi ngày sang, ánh sáng theo mặt trời mà rọi qua miệng "giếng", tạo nên luồng sáng lớn, đẹp diệu kỳ. Tùy theo giờ giấc trong mỗi ngày và mỗi mùa, luồng sáng này còn chiếu theo các hướng khác nhau. Ban đầu, do Mặt Trời vẫn còn ở dưới thấp, nó rọi lên tường hang. Nhưng càng về trưa, khi mặt trời mỗi lúc một đứng bóng, nó chiếu thẳng xuống lòng hang rộng.

Thú vị là luồng sáng tràn xuống ấy không chỉ đánh tan bóng tối mà còn mang đến sự sống. Dưới lòng hang, măng đá với những hình thù kỳ dị đứng ngồi lổm nhổm. Bất chấp lượng ánh sáng ít ỏi, rêu vẫn lên xanh. Nhiều loài động vật có vỏ phát triển mạnh.


Bất chấp lượng ánh sáng ít ỏi, rêu vẫn lên xanh. Nhiều loài động vật có vỏ phát triển mạnh.

Lợi dụng hang hốc, nhà dơi dắt díu nhau vào trú ẩn. Trong Castellana có đến 5 loài dơi khác nhau cùng chung sống, và đều có kích thước khá nhỏ.

Ngoài ra, Castellana còn là địa bàn của dế hang động Troglophilus Andreinii. Chúng sinh trưởng với số lượng lớn, không có cánh nhưng sở hữu cặp càng dài, khỏe, có thể nhảy rất xa.

Kỳ quan tỏa rạng nhất trong lòng đất

Cửa hang Castellana không phải là nơi duy nhất có ánh sáng. Từ lối vào sâu 60m này chui luồn khoảng 1500m, bạn sẽ thấy mình đứng trước kỳ quan tuyệt mỹ nhất thế gian: White Cave (Hang trắng).

Toàn bộ tường White Cave được cấu thành từ alabaster (ngọc thạch), một loại khoáng chất mềm, có thể phát ra ánh sáng mờ ảo, thường được sử dụng làm vật liệu chạm khắc. Nhờ có chúng, White Cave tự phát sáng trong lòng đất sâu. Nó nổi tiếng khắp thế giới là hang động tự nhiên tỏa rạng nhất.


White Cave mọc đầy măng, nhũ đá.

Không chỉ tự tỏa sáng, White Cave còn mọc đầy măng, nhũ đá. Trên trần, nhũ đá trắng buông xuống như treo rèm. Dưới đất, các trụ nhũ đá nổi lên, dị hình dị dạng. Tất cả đều phát ra thứ ánh sáng ma mị mê hoặc.

Đặc biệt, trong White Cave có trụ đá trắng cực lớn, nom như thể cột chống hang vậy. Nó vừa vĩ đại lại vừa cực kỳ lộng lẫy.

Thêm một điểm hấp dẫn nữa là Castellana vẫn chưa được khám phá hết. Nếu muốn trở thành người tiên phong tìm ra một thứ gì đó, bạn có thể đến đây thách thức bản thân.

Cập nhật: 05/03/2019 Theo helino
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video