Nhóm khoa học gia từ Canada, Anh và Mỹ đã tìm ra những dạng sao Mộc nóng kỳ dị ngoài Hệ Mặt trời – những hành tinh khổng lồ, chết chóc, mây và mưa đầy kim loại.
Nghiên cứu vừa công bố trên Nature Astronomy đã tìm hiểu bầu khí quyển của nhiều ngoại hành tinh xa xôi, khổng lồ và quay cực gần sao mẹ của chúng và tin rằng có một dạng mây đặc biệt chiếm lĩnh bầu trời của các hành tinh khí khổng lồ: chúng tạo thành từ những giọt ngưng tụ của silic và oxy, như giống như thạch anh nóng chảy hay cát nóng chảy; oxit nhôm; oxit sắt, oxit titan…
Những hành tinh khổng lồ, nóng bỏng, có mây và mưa bằng kim loại có thể phổ biến hơn nhiều so với suy nghĩ của chúng ta - (ảnh minh họa từ Internet)
Trong đó, các ngoại hành tinh nóng nhất sẽ sở hữu chủ yếu là oxit nhôm và oxit titan ở tầng mây cao; trong khi các hành tinh khác tuy vẫn nóng nhưng ít phần "địa ngục" hơn sẽ sở hữu mây silicat.
Để đạt được những đám mây bằng oxit nhôm và oxit titan, những sao Mộc nóng này phải có bầu khí quyển tối thiểu 2.200 độ C. Và mưa ở đó cũng vậy: sẽ không phải nước mưa như Trái đất, mà là những nhôm nóng chảy và titan nóng chảy rơi xuống!
Điều bất ngờ hơn là dạng hành tinh có mưa kim loại có thể phổ biến hơn suy nghĩ. Theo tiến sĩ Peter Gao từ Đại học California ở Berkeyley (Mỹ), tác giả chính của nghiên cứu, những hệ sao chỉ có 1 sao mẹ và một "sao Mộc nóng" quay cực gần ngày càng được tìm thấy nhiều hơn. Các sao Mộc nóng này có thể có kích thước lớn hơn sao Mộc của Hệ Mặt trời đến 13,9 lần.
Mưa bằng nước như Trái đất, có thể mới là hiếm hoi trong vũ trụ.
Thời gian qua, một số hành tinh có mưa kim loại đã được phát hiện, gần nhất là WASP-79b, mà theo một nghiên cứu công bố hồi tháng 5/2020, có mây oxit sắt và mưa sắt.