Hàng trăm con voi gục chết bí ẩn, thảm họa chưa từng thấy khiến các nhà khoa học hoảng loạn

Voi hiện tại là một trong những loài thuộc danh sách nguy cấp, cần được bảo vệ trong Sách Đỏ của IUCN (Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế). Trong nhiều năm, giới chức trách các nước đã phải gồng mình chống đỡ trước nạn săn trộm, thu hẹp môi trường sống, cũng như rất nhiều hành vi lạm dụng khác mà con người đối xử với voi.

Tuy nhiên, việc bảo tồn loài voi tại châu Phi đang rơi vào một cơn thảm họa chưa từng có, khi các nhà khoa học ghi nhận đã có hơn 350 con voi gục chết một cách bí ẩn tại phía Bắc Botswana.


Tổng hợp ảnh voi chết bí ẩn trong thời gian gần đây. (Ảnh: The Guardian).

Cụ thể sự việc thì vào đầu tháng 5, người ta phát hiện một đàn voi đang chết dần tại vùng đồng bằng Okavango, với hơn 169 con đã ra đi tính đến thời điểm cuối tháng. Đến giữa tháng 6, con số tăng lên hơn gấp đôi, trong đó 70% gục chết cạnh các hố nước.

"Đây là vụ voi chết hàng loạt ở mức độ chưa từng thấy trong một thời gian dài. Ngoài những đợt hạn hán nghiêm trọng, tôi không biết sự kiện nào gây chết hàng loạt nghiêm trọng đến mức này" - trích lời tiến sĩ Niall McCann, giám đốc bảo tồn của tổ chức từ thiện National Park Rescue (Anh).

Chính phủ Botswana vẫn chưa làm xét nghiệm, nên hiện chưa có thông tin nào về nguyên nhân gây ra thảm họa, cũng như việc liệu nó có gây nguy hại cho con người hay không. Các nhà khoa học đưa ra 2 giả thuyết: ngộ độc, hoặc một mầm bệnh bí ẩn nào đó. Giả thuyết bệnh than - vốn thường là nguyên nhân khiến voi chết hàng loạt - đã bị bác bỏ.


Xác của một con voi ghi nhận hồi đầu tháng 6.

"Chúng ta có một vụ voi chết hàng loạt ở gần nơi con người sinh sống trong bối cảnh các loài vật hoang dã đang là mối bận tâm (vì Covid-19), nhưng có vẻ chính phủ vẫn chưa tìm hiểu, gửi mẫu vật đến các phòng thí nghiệm có uy tín" - McCann nhận định.

Hành động bí ẩn trước khi chết

Nhân chứng tại địa phương cho biết, họ đã trông thấy những con voi bước đi thành vòng tròn - một dấu hiệu mất phương hướng, cho thấy sự suy yếu về thần kinh. "Khi nhìn vào những cái xác, một số gục chết theo tư thế cắm mặt xuống đất, cho thấy chúng chết rất nhanh. Một số khác chết chậm hơn, giống như những con voi bước đi thành vòng tròn. Vậy nên hiện tại, thật khó để nhận định đây là loại độc tố gì" - McCann chia sẻ.


Nhiều con voi chết bên cạnh các hố nước.

Những con voi đã chết không có sự phân loại, trải rộng trên mọi độ tuổi và ở cả 2 giới tính. Hiện tại, nhiều con voi đang có dấu hiệu yếu dần, gầy mòn, hốc hác và tiều tụy, dự báo về số voi chết gia tăng trong vài tuần tới. Mà trên thực tế, các nhà bảo tồn cho biết số lượng voi đã tử vong được dự đoán còn cao hơn con số ghi nhận, bởi xác voi khá khó để phát hiện.

Độc chất cyanide (xyanua) - thường được cánh săn trộm tại Zimbabwe sử dụng cũng là một khả năng cần xem xét. Tuy nhiên, cần lưu ý những loài ăn xác thối vẫn vô sự sau khi ăn xác voi. Truyền thông địa phương ghi nhận có ít kền kền đến rỉa xác hơn dự tính, nhưng tất cả đều không cho thấy dấu hiệu bất thường.

"Không có cơ sở nào để kết luận đây là một thảm họa tự nhiên cho đến khi làm xét nghiệm" - McCann chia sẻ. Một số người nghĩ về Covid-19, nhưng giả thuyết này cũng rất khó xảy ra.

Thảm họa bảo tồn

Hiện tại, đồng bằng Okavango có khoảng 15.000 cá thể voi, chiếm 10% tổng số voi của Botswana. Số voi này đóng góp không nhỏ vào ngành du lịch sinh thái của Botswana - ngành chiếm 10% - 12% GDP của cả nước chỉ đứng sau khai thác kim cương.

"Voi là một tài sản của đất nước này. Chúng giống như những viên kim cương di động tại đồng bằng Okavango" - McCann cho biết. "Thực sự là một thảm họa bảo tồn, khi đất nước không thể bảo vệ nguồn lực quý giá nhất".

Các xác voi vẫn còn nguyên ngà, và hiện giới bảo tồn đang thúc giục nhà chức trách bảo vệ chúng, để những kẻ săn trộm không được hưởng lợi. Còn tại các quốc gia lân cận, không có sự việc tương tự nào được ghi nhận.


Những con voi đã chết không có sự phân loại, trải rộng trên mọi độ tuổi và ở cả 2 giới tính.

"Sự chậm trễ trong việc đưa các mẫu tới phòng thí nghiệm để xác định nguyên nhân và giải pháp là một vấn đề đáng lo ngại" - trích lời Mary Rice, giám đốc điều hành Cơ quan điều tra môi trường tại London (Anh).

"Việc hành động thiếu sự khẩn cấp không cho thấy trách nhiệm của người giám sát. Đã có nhiều lời đề nghị giúp đỡ từ các cơ sở xét nghiệm, nhưng không ai quan tâm. Trong khi đó, số voi chết đang tăng một cách đáng sợ".

Tiến sĩ Cyril Taolo - giám đốc Sở động vật hoang dã và Công viên quốc gia Botswana cho biết: "Chúng tôi biết rằng voi đang chết dần. Trong 350 cá thể được báo cáo, chúng tôi xác nhận được 280, và đang tiến hành quá trình xác nhận nốt phần còn lại".

"Chúng tôi đã gửi mẫu phẩm đi xét nghiệm, và kết quả sẽ tới trong vài tuần kế tiếp" - ông chia sẻ. "Các hạn chế di chuyển vì Covid-19 đã gây khó khăn trong việc thu thập và vận chuyển các mẫu. Chúng tôi phải thích nghi, và giờ đang chuyển các mẫu đến các phòng thí nghiệm khác".

Taolo từ chối tiết lộ danh tính các phòng thí nghiệm chịu trách nhiệm cho vấn đề này.

Cập nhật: 02/07/2020 Theo Trí Thức Trẻ
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video