Hành động lạ của cá heo Bolivia khiến các nhà khoa học đau đầu

Vào tháng 8/2021, tại lưu vực sông Tijamuchi của Bolivia, một nhóm các nhà nghiên cứu đã có chuyến đi thực địa về đa dạng sinh học ở đây. Trong chuyến đi này, họ đã gặp một loài vật mà bình thường rất khó quan sát, đó là cá heo sông Bolivia.

Hành động kỳ lạ


Cá heo sông Bolivia là một phân loài của cá heo sông Amazon. Hồi năm 2012, Tổng thống Evo Morales đã tuyên bố loài này là báu vật quốc gia. (Ảnh: WWF).

Mặc dù số lượng loài này trong tự nhiên được ước tính với 25.000 cá thể, những dòng sông nơi chúng sinh sống thường rất đục. Chính vì vậy, vẫn chưa có nhiều điều được biết đến về tập tính và sinh hoạt bầy đàn của loài này.

Tiến sĩ Steffen Reichele, nhà sinh vật học tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Noel Kempff Mercado ở Santa Cruz de la Sierra, là một thành viên trong nhóm nghiên cứu này. Ông cho biết chỉ riêng việc nhìn thấy đầu của một con cá heo sông Bolivia ở trên mặt nước đã là rất hiếm gặp.

Các thành viên của nhóm biết rằng có gì đó thú vị đang xảy ra, và bắt đầu chụp ảnh những con cá heo.

Sau khi cuộc chạm trán kết thúc, các thành viên trong nhóm về nhà xem xét lại các bức ảnh và nhận ra có một bức đặc biệt. Trong bức ảnh này, hai con cá heo đang bơi cùng ngoạm một con trăn anaconda.

Trong một nghiên cứu được xuất bản trên tạp chí khoa học Ecology vào tháng trước, nhóm nghiên cứu đã mô tả lại hành động kỳ lạ này.

Mặc dù cá heo nước mặn nổi tiếng là loài có trí thông minh cao, biết vui đùa và bày trò để tự giải trí, có quá ít thông tin về cá heo sông Bolivia. Vì lẽ đó, các nhà khoa học vẫn chưa thể giải thích một cách chắc chắn rằng chúng đang làm gì với con trăn anaconda kia.

Theo tiến sĩ Reichle, cá heo sông Bolivia thường bơi dưới mặt nước, và khi nhìn thấy chúng trong môi trường tự nhiên, người ta thường chỉ thấy vây hoặc phần đuôi. Nhưng trong số 6 cá thể mà nhóm của ông quan sát được vào ngày hôm đó, có một số con đã ngoi đầu lên mặt nước trong một thời gian dài bất thường.

Có thời điểm, hai con cá heo đực bơi ngang nhau, cứ như thể chúng đang thi đấu môn bơi nghệ thuật, cùng nhau giữ trong miệng một con trăn anaconda. Mặc dù anaconda có thể nín thở dưới nước tới 10 phút nhưng với màn trình diễn kéo dài khoảng 7 phút của hai con cá heo, các nhà nghiên cứu cho rằng con trăn có lẽ đã chết từ trước.

"Tôi cho rằng con trăn đó đã có một quãng thời gian chẳng hề vui vẻ", tiến sĩ Reichle nói đùa.


Hai con cá heo sông đực được nhìn thấy đang cùng ngoạm một con trăn anaconda - cảnh tượng chưa từng được chứng kiến trong tự nhiên. (Ảnh: Omar M. Entiauspe Neto, Steffen Reichle).

Vì sự việc diễn ra trong một thời gian khá lâu, nhóm các nhà nghiên cứu nhận định có lẽ đây là một hành động vui đùa chứ không phải một màn săn mồi. Thêm vào đó, trăn anaconda là động vật ăn thịt đứng đầu bảng, chúng không phải là con mồi của bất cứ loại động vật nào khác.

Trong trường hợp này, nhóm nghiên cứu không biết kết cục cuối cùng của con trăn.

Ông Omar Entiauspe-Neto, một trong những tác giả của nghiên cứu, cho rằng dựa trên sự hiếu động của những con cá heo, thì cho rằng chúng đang chơi đùa là điều hợp lý.

Bí ẩn

Một số con cá heo khác trong nhóm là con non, vì vậy có ý kiến khác cho rằng cũng có thể 2 con cá heo trưởng thành có thể đang dạy những con non về loài trăn anaconda, hoặc chỉ cho chúng kỹ thuật săn mồi.

Tiến sĩ Sonja Wild, nhà sinh thái học hành vi tại Viện Hành vi Động vật Max Planck ở Đức, thì hoài nghi về giả thiết này. Bà cho rằng việc những con non đứng quan sát có thể chỉ là vì chúng bị tò mò.

Và cũng vì trăn anaconda là loài rất khỏe, tiến sĩ Wild đặt câu hỏi liệu con trăn có thể đã bị thương hoặc đã chết trước khi bị cá heo bắt. Dù sao thì riêng việc cá heo sông ngoạm trăn anaconda trên miệng cũng đã là điều phi thường.

"Đây là lần đầu tiên tôi thấy cá heo chơi đùa với một loài rắn cỡ lớn", bà Wild, người không thuộc nhóm nghiên cứu, chia sẻ.

Cũng có một chi tiết trong những bức ảnh khiến các nhà nghiên cứu bất ngờ. Bà Diana Reiss, nhà khoa học về động vật có vú biển tại Đại học Hunter ở New York, nhận định hành động của hai con cá heo có thể liên quan tới vấn đề tình dục.

Giới khoa học cũng biết nhiều về cá heo ở ngoài đại dương hơn là những người anh em của chúng sống ở môi trường nước ngọt. Rất khó để biết được điều gì xảy ra dưới làn nước đục ngầu của sông Tijamuchi.

Mặc dù vậy, theo tiến sĩ Reiss, những quan sát về cá heo sông Bolivia sẽ đem lại những giá trị nhất định.

"Nó cho chúng ta một cái nhìn khác về cuộc sống của các loài này, đặc biệt là trong môi trường hoang dã", bà chia sẻ.

Cập nhật: 18/07/2022 Zing
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video