“Hành tinh thứ 9” Theia lộ diện ngay bên trong Trái đất

Các nhà khoa học cho biết khối vật chất bí ẩn được tìm thấy sâu trong lõi Trái đất là phần còn lại của một hành tinh cổ từng va chạm với trái đất cách đây hàng tỉ năm.

Các mô phỏng mới dẫn đầu bởi nhóm nghiên cứu từ Viện Công nghệ California (Caltech - Mỹ) chỉ ra rằng tàn tích hành tinh cổ đại Theia ngoài những vật liệu vụn đã hòa lẫn vào Trái đất và Mặt trăng còn có 2 mảnh lớn, nguyên vẹn, đang chôn sâu trong lòng địa cầu.


Vụ va chạm của Theia với Trái đất "Gaia" sơ khai - (Ảnh đồ họa: Hernán Cañellas).

Hành tinh Theia - được đặt theo tên nữ thần Theia trong thần thoại Hy Lạp, mẹ của nữ thần Mặt trăng Selene - là một vật thể giả thuyết to cỡ sao Hỏa, từng là một hành tinh độc lập của Hệ Mặt trời.

Giả thuyết cho rằng nó đã va chạm với Trái đất sơ khai vào 4,5 tỉ năm trước và bị xóa sổ. Vật liệu của hai hành tinh hòa trộn với nhau, với các mảnh vỡ văng lên quỹ đạo kết tụ thành Mặt trăng.

Trong khi đó, "vùng vận tốc cực thấp" là hai cấu trúc bí ẩn to cỡ lục địa, nằm ở dưới đáy sâu của lớp phủ Trái đất (là lớp bên dưới lớp vỏ) bên dưới châu Phi và Thái Bình Dương, được phát hiện từ những năm 1980 thông qua dữ liệu địa chấn.

Chúng hay được gọi là "đốm màu", với màu sắc khác biệt được thể hiện trong các bản đồ lập thể mô tả "nội thất" hành tinh.

Có nhiều giả thuyết xung quanh hai "đốm màu" này. Có hai giả thuyết nổi trội nhất: Chúng là tàn tích của các mảng kiến tạo cổ đại, hoặc chúng là tàn tích của một thiên thể cổ đại từng trộn lẫn với Trái đất.

"Vụ va chạm dường như là nguồn gốc của tính không đồng nhất của lớp phủ sơ khai và đánh dấu điểm khởi đầu cho quá trình tiến hóa địa chất của Trái đất suốt 4,5 tỉ năm" - Giáo sư Hongping Deng từ Đài quan sát thiên văn Thượng Hải, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết.

Giáo sư Steven Desch của Đại học bang Arizona (Mỹ) tiếp lời: "Mặt trăng dường như chứa các vật liệu đại diện cho cả Trái đất và Theia trước va chạm, nhưng người ta từng cho rằng bất kỳ tàn dư nào của Theia đã được xóa bỏ và đồng nhất bởi hàng tỉ năm động lực học".

Vì vậy, nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature này chứng minh rằng các mảnh riêng biệt, nguyên vẹn của Theia vẫn còn tồn tại, được Trái đất giấu trong lớp phủ, ngay ranh giới với lõi hành tinh.


Hành tinh cổ Theia có thể đã va chạm và bị hòa lẫn vào Trái đất cách đây nhiều tỉ năm. (ẢNH CHỤP MÀN HÌNH MSN).

"Nói cách khác, Trái đất không chỉ có "đốm màu". Trái đất còn có các đốm màu ngoài Trái đất!" - Giáo sư Ed Garneo từ Đại học bang Arizona nói.

Nhà nghiên cứu sau tiến sĩ Qian Yuan tại Viện Công nghệ California (CalTech), người dẫn đầu nghiên cứu nói trên, cũng có nhiều giả thuyết về điều đã xảy ra với Theia và cách nó va chạm với Trái đất. Ông Yuan và nhóm nghiên cứu xác định rằng vụ va chạm có thể đã hình thành mặt trăng và các khối vật chất trong trái đất. Lớp vỏ của Theia cũng có thể hợp nhất vào lớp vỏ trái đất, đông cứng lại và hình thành các khối vật chất.

Giáo sư địa chất và địa hóa học Paul Asimov cũng tại CalTech cho rằng với giả thuyết như trên, cần phải tìm hiểu thêm việc hình thành đó đã ảnh hưởng gì đến sự tiến hóa ban đầu của trái đất, như giai đoạn hút chìm ban đầu trước khi các điều kiện trở nên phù hợp cho các đĩa kiến tạo, việc hình thành các lục địa và nguồn gốc của các loại khoáng sản cổ nhất.

Cập nhật: 09/04/2024 NLĐ/Thanh Niên
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video