Bằng một cách nào đó, các hạt vi nhựa đã xâm nhập vào cơ thể của con người, vượt qua hàng rào bảo vệ não bộ để đi tới cơ quan đầu não trung ương của cơ thể.
Rác thải nhựa đang là vấn đề gây nhức nhối trên Trái đất không chỉ bởi tác hại tới môi trường trong hàng trăm, thậm chí tới cả nghìn năm mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của con người. Theo nghiên cứu mới của Đại học New Mexico, thành phố Albuquerque, bang New Mexico, Mỹ, các hạt vi nhựa xâm nhập vào mô não của con người với nồng độ ngày càng lớn.
Hạt vi nhựa hay nhựa nano siêu nhỏ ngày càng được tìm thấy trong não bộ của con người nhiều hơn.
Hình ảnh phân tích cho thấy hạt vi nhựa đang chiếm trong mô não của con người.
Giáo sư Matthew Campen, tác giả chính của nghiên cứu cho biết, nồng độ của hạt vi nhựa được tìm thấy trong mô não của người bình thường từ 45 - 50 tuổi là 4.800 microgram/ gram, chiếm khoảng 0,5%. Điều này có nghĩa, bộ não của con người hiện nay có 99,5% là não và phần còn lại chính là nhựa.
Các mô não để khám nghiệm được lấy từ vỏ não trước trán. Đây là vùng não liên quan tới suy nghĩ và lý luận của con người, đồng thời cũng là vùng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi chứng mất trí và bệnh Alzheimer.
Đây là số liệu thu thập được khi khám nghiệm tử thi vào đầu năm 2024. So với các mẫu khám nghiệm tử thi từ năm 2016, nồng độ vi nhựa xâm lấn vào cơ thể con người hiện nay cao hơn nhiều, tương đương 50%.
Tuy nhiên, Giáo sư Matthew Campen cho biết, sự gia tăng này chỉ cho thấy mức độ phơi nhiễm chứ không nói đến mức độ tổn thương của não bộ.
Hạt vi nhựa còn có tên gọi khác là nhựa nano. Bằng cách nào đó, nhựa đã xâm nhập vào cơ thể của con người, đi tới não bộ và vượt qua hàng rào máu não. Có một giả thuyết cho rằng, nhựa rất thích chất béo hoặc lipid. Vì thế, Giáo sư Campen cho rằng, vi nhựa xâm nhập vào chất béo mà con người nạp vào cơ thể, sau đó chúng đi đến những bộ phận yêu thích lipid như não bộ. Được biết, trong bão bộ có chứa tới 60% chất béo theo trọng lượng và nhiều hơn các bộ phận khác trong cơ thể.
Một hạt vi nhựa cỡ lớn được tìm thấy trong cơ thể con người.
Trên góc nhìn khác, bà Phoebe Stapleton - Phó Giáo sư Dược và Độc học của Đại học Đại học Rutgers, thành phố Piscataway, bang New Jersey, Mỹ cho biết, y học vẫn cần nghiên cứu thêm để xác minh những hạt vi nhựa tương tác với các mô tế bào cơ thể như thế nào và chúng gây độc tính ra sao trước khi đưa ra những kết luận có thể gây hoang mang tới người dân. Theo Phó Giáo sư Phoebe Stapleton, không ai có thể sống thiếu nhựa trong cuộc sống hiện nay. Nhất là trong điều kiện khoa học lĩnh vực này vẫn đang phát triển.