Vào thời kỳ đỉnh cao, Maya từng là một trong những nền văn minh giàu có bậc nhất ở châu Mỹ, nhưng tộc người Maya ở Trung Mỹ và Mexcico ngày nay đang phải đối mặt với sự phân biệt đối xử, bóc lột và đói nghèo.
Tại Guatemala, nơi có một nửa dân số là con cháu bản địa của của nền văn minh cổ đại huy hoàng một thời, người Maya đang trở thành nạn nhân của sự diệt chủng.
Nền văn hóa rực rỡ là tâm điểm bàn luận trên toàn cầu trong hôm nay, khi cả nhân loại đang dõi theo "ngày tận thế", đánh dấu sự kết thúc chu kỳ 5.200 năm theo lịch Đếm dài của người Maya. Tuy nhiên, hoàn cảnh của chính những người Maya bản địa hiện tại là đề tài không được ai chú ý.
Các pháp sư Maya đang thực hiện một nghi lễ thanh lọc trong hoạt động chào mừng
ngày 21/12, ngày kết thúc lịch Đếm dài và mở ra một kỷ nguyên mới ở Guatemala.
"Người bản địa luôn luôn bị xem là tầng lớp lao động nghèo hèn, và điều này vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay", Alvaro Pop, một nhà nhân chủng học Guatemala, thành viên Diễn đàn Thường trực Liên Hợp Quốc về các vấn đề bản địa cho biết. "Họ bị xem như một thứ công cụ và không phải là trọng tâm trong các chính sách công".
Nền văn minh Maya đạt đến thời kỳ hoàng kim nhất giữa những năm 250 và 900, nhưng lụi tàn dần vào khoảng năm 1200. Ba thế kỷ sau, suốt thời kỳ xâm lược của người Tây Ban Nha, người Maya bị tước hết đất đai, đẩy vào tình trạng nghèo đói và trở thành nô lệ.
Ngày nay, ước tính có từ 20 triệu đến 30 triệu hậu duệ trực tiếp của nền văn minh này còn tồn tại ở nam Mexico, Belize, Honduras, El Salvador và Guatemala, nơi người bản địa Maya phổ biến nhất.
Tại Guatemala, người Maya đứng bên lề xã hội, với sự tiếp cận giáo dục, y tế và các dịch vụ cơ bản khác hạn chế. Ngôn ngữ bản địa của họ cũng không được công nhận chính thức.
Trong cộng đồng bản địa, với 42% trong số 14,3 triệu người ở Guatemala, tỷ lệ đói nghèo chiếm 80%. Gần 60% trẻ em bản địa bị suy dinh dưỡng mãn tính, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh tăng cao đến mức báo động với chỉ 40 trong số 1.000 trẻ sống sót, theo số liệu của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc.
Tại bang Chiapas của Mexico, sự đói nghèo và bóc lột từng dẫn đến sự thành lập của Quân đội Giải phóng Quốc gia Zapatista năm 1994, thu hút được sự chú ý của cộng đồng.
Một người Mexico diện trang phục Maya
tại một điểm du lịch ở Mexico. (Ảnh: AFP)
Tuy nhiên, có lẽ cái giá đắt nhất mà tộc người Maya phải trả là thời kỳ nội chiến Guatemala kéo dài từ năm 1960 đến 1996, trong đó phe quân đội chống lại phe du kích cánh tả.
"Có những lý do khách quan khiến đói nghèo trầm trọng thêm và dẫn đến sự kỳ thị đối với người bản địa", theo ông Pop.
Hơn 600 vụ thảm sát trong cộng đồng bản địa đã được ghi nhận suốt thời gian đó. Hàng chục nghìn người Anh Điêng đã tìm đường chạy đến nam Mexico lánh nạn trong suốt cuộc đàn áp của quân đội, theo báo cáo của Liên Hợp Quốc năm 1999.
Dưới chính sách tiêu thổ được tiến hành bởi nhà độc tài lúc đó Efrain Rios Montt, người nắm quyền trong hai năm 1982 và 1983, hầu hết các ngôi làng đều bị san phẳng.
Trong bối cảnh đàn áp đó, nhà hoạt động người bản địa Rigoberta Menchu nổi lên như một điểm sáng. Sự lên án mạnh mẽ của bà đối với các cuộc thảm sát đã giúp bà nhận giải Nobel Hòa bình năm 1992.
"Xung đột vũ trang từng được sử dụng như một cái cớ để triệt tiêu người dân bản địa, về cả thể chất lẫn tinh thần", bà Menchu nói.