Hé lộ bí mật khối đá cổ Trường Yên

Một khối đá tròn dài 1,5m có vấu ở hai đầu mà người dân phát hiện được tại xã Trường Yên (Hoa Lư) từng một thời gây xôn xao dư luận tỉnh Ninh Bình đang dần hé lộ những bí ẩn khó tin về tín ngưỡng Tô tem giáo với "tục thờ đá".

Khai quật tảng đá lạ

Đó là một khối đá có những vết khắc kỳ lạ ẩn chứa nhiều bí mật của thời xa xưa được người dân Ninh Bình tìm thấy tại khu vực cố đô Hoa Lư thuộc xã Trường Yên.

Khi một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đang thực hiện thi công công trình xây dựng tại khu vực vốn ẩn chứa nhiều bí mật lịch sử đã vô tình "cuốc" phải một khối đá kỳ lạ chìm dưới đáy bùn cách mặt đất khoảng 3m tính từ chân bờ ruộng.


Khối đá cổ Trường Yên.

Ngay lập tức, người chỉ đạo công trình đã cho thợ dừng lại để điện báo cho các cán bộ Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch Ninh Bình về khối đá ấy. Tuy nhiên, phải mất khá nhiều thời gian, đoàn khai quật mới đưa được khối đá ấy lên mặt đất.

Sau khi đưa máy phun nước và thực hiện các công đoạn làm sạch bề mặt, các cán bộ khảo cổ thuộc Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch Ninh Bình đã đưa ra dự đoán ban đầu về một di tích cự thạch mới.

Theo ông Nguyễn Cao Tấn, trưởng phòng Di sản, khu vực chính phát hiện ra các tảng đá kỳ lạ thuộc dòng sông Sào Khê, ở phía trước khu vực đền vua Đinh và đền vua Lê. Đây là vị trí vốn ẩn chứa rất nhiều bí ẩn về thời kỳ đồ đá. Đồng thời, đó cũng là nơi ít được khai quật bởi theo quan niệm tâm linh thì đó là vùng đất thiêng.

Sau khi đo đạc tỉ mỉ, khối đá có chiều dài 1,2m (kể cả 2 vấu nằm ở đầu tảng đá là 1,5m - PV), đường kính 0,7m. Ở hai đầu của khối đá này có vấu hình tròn rất kỳ lạ nhưng được đẽo gọt một cách công phu. Trên thân của khối đá hình trụ này còn xuất hiện những vết khắc vạch với tiết diện rộng từ 1 - 4cm và sâu từ 0,5 - 3cm. Riêng các biểu tượng này, các cán bộ di sản chưa thể giải mã được ý nghĩa cũng như thông điệp, mật mã của người xưa.

Phát hiện trùng khớp

Cách địa điểm này không xa, vào năm 2009 người dân cũng phát hiện một cột đá hình tròn dài khoảng 3m, trên thân của cột đá cũng có những nét khắc vạch có độ rộng và sâu tương tự. Chất liệu đá thì hoàn toàn giống nhau, cùng một thể loại và hình dáng.

Nhưng có điều đặc biệt khi ở đầu của cột đá có hai lỗ mộng đối diện nhau tạo thành 2 cái hốc. Sau khi đo đạc kỹ càng bằng máy đo hiện đại nhất, cán bộ khảo cổ nhận thấy lỗ mộng này lại có kích thước tương ứng với vấu của khối đá hình trụ mới phát hiện.

Và ngay tại hang Son cách đó khoảng 1km, các nhà khảo cổ đã phát hiện dấu ấn của cư dân văn hoá thời đại đồ đá và thời đại kim khí cách ngày nay từ 2.000 - 10.000 năm. Và xa hơn một chút về phía Tây Nam, tại khu vực núi Con, các nhà khảo cổ cũng đã tìm thấy rìu đá và những dấu ấn khác trên những khối đá kỳ lạ này.

Từ những cơ sở đó, các cán bộ phòng Di sản, Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch Ninh Bình cho rằng, hai di vật đá lớn được phát hiện kể trên cùng nằm trong một công trình đá lớn (cự thạch). Và rất có thể cư dân cổ ở hang Son, công trường khai thác đá cổ ở núi Con cùng những di vật đá lớn mới phát hiện này có liên quan với nhau.


Khối đá có những vết khắc kỳ lạ ẩn chứa nhiều bí mật của thời xa xưa.

Theo ông Nguyễn Cao Tấn, những tài liệu hiện có ở Việt Nam qua việc phát hiện một số công trình đá lớn (cự thạch) ở các tỉnh thuộc miền núi phía Bắc là Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang và Lạng Sơn.

Về phía Đông Nam của đồng bằng Bắc Bộ, đây là lần đầu tiên phát hiện một di tích cự thạch. Di tích cự thạch này có thể là của cư dân thời tiền sử vào giai đoạn kim khí cách ngày nay từ 2.000 - 3.000 năm.

Tuy các cán bộ khảo cổ tỉnh Ninh Bình đã cố gắng tìm các tư liệu và đo đạc hiện trạng để đưa ra kết luận cuối cùng chính xác nhất nhưng gần như không đồng nhất ý kiến. Hiện, các khối đá trên đang được lưu giữ tại Bảo tàng Ninh Bình và đang cần các nhà khoa học nghiên cứu, giải mã những bí ẩn lịch sử để làm rõ thêm di tích này ở vùng đất Cố đô Hoa Lư.

Ông Nguyễn Cao Tấn cho hay, cự thạch là thuật ngữ khảo cổ học chỉ những công trình dựng từ những khối đá lớn để nguyên hình dạng tự nhiên hay đã qua gia công. Cự thạch được phát hiện ban đầu ở vùng Địa Trung Hải, sau phát hiện được ở hầu khắp thế giới. Cự thạch có niên đại kéo dài từ thời đại đá mới đến thời đại đồ đồng (khoảng thiên niên kỷ 3 - 1 trước công nguyên).

Và ở Việt Nam, những di vật cự thạch luôn là điều bí ẩn đòi hỏi các nhà khoa học phải mất nhiều công sức và thời gian cùng những tư liệu lịch sử xác đáng nhất mới có thể đưa ra kết luận một cách chính xác nhất.

Khối đá kỳ lạ này hiện chưa thể xác định chính xác thuộc niên đại nào. Nhưng theo ý kiến cá nhân của tôi thì khối đá đó là một cái lu đất cho phẳng giống như "hòn đá kéo lúa" của ta thời bao cấp vẫn dùng trong các HTX nông nghiệp. Tuy nhiên, đây là một khối đá lớn và chắc chắn thuộc một niên đại cổ xưa. Nhiều cán bộ khảo cổ về nghiên cứu nhưng cũng chưa có kết quả. Chúng tôi cũng muốn đưa khối đá ấy lên Viện khảo cổ để có thể xác định niên đại và ý nghĩa chính xác của nó đối với sinh hoạt của người xưa. Nhưng vì khối đá quá nặng nên hiện vẫn phải lưu giữ ở Bảo tàng tỉnh Ninh Bình". Ông Nguyễn Xuân Khang (giám đốc Bảo tàng tỉnh Ninh Bình)

Theo Bee
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video