Hệ miễn dịch chống lại virus corona như thế nào?

“Chiến binh” mạnh mẽ nhất trong cuộc chiến chống lại virus corona hiện nay chính là hệ miễn dịch của con người. Hệ miễn dịch bảo vệ chúng ta nhưng đôi khi lại chống lại chúng ta.

Hệ miễn dịch của con người phản ứng lại virus corona ra sao?

Giống như các loài virus khác, virus corona chỉ là một đoạn vật chất di truyền và một vài protein bọc trong một lớp vỏ. Để sinh sôi được, nó cần một vật chủ dưới dạng một tế bào sống. Khi bị nhiễm virus, tế bào này sẽ làm những việc mà virus ra lệnh, đó là sao chép thông tin, ráp nối thông tin và gửi thông tin đi.

Nhưng việc này không phải là không gây chú ý. Trong một vài phút, hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng lại ngay, vì bẩm sinh hệ miễn dịch đã có chức năng như vậy. Khi đó bạch cầu hạt, thực bào và tế bào tiêu diệt tự nhiên trong máu và hệ thống bạch huyết tràn vào để chống lại virus. Quá trình này còn có sự tham gia hỗ trợ của nhiều protein huyết tương có nhiệm vụ truyền thông tin hoặc tiêu diệt virus.

Đối với nhiều loài virus và vi khuẩn, hệ miễn dịch chỉ cần phản ứng như vậy là đủ để tiêu diệt chúng. Việc này thường xảy ra rất nhanh và hiệu quả và chúng ta chỉ thấy những dấu hiệu nhỏ của quá trình “chiến đấu này”, đó là bị cảm lạnh hoặc sốt.


Sốt và mệt là dấu hiệu cho thấy hệ miễn dịch đang làm việc.

Interferons là một nhóm các protein tự nhiên được sản xuất bởi các tế bào của hệ miễn dịch ở hầu hết các động vật nhằm chống lại các tác nhân ngoại lai như virus, vi khuẩn, ký sinh trùng và tế bào ung thư và thường được tiết ra bởi các tế bào bị nhiễm bệnh. SARS-Cov gây ra đại dịch SARS năm 2003 có khả năng ngăn chặn việc sản sinh một trong những interferon này của cơ thể và do đó làm các tế bào miễn dịch chậm chú ý đến sự có mặt của virus. Ở một mức độ nào đó thì virus corona mới hiện nay cũng có khả năng tương tự. Tuy nhiên, các interferons luôn hỗ trợ cơ thể chống lại virus và hiện nay các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu các proteins này để đưa vào thử nghiệm lâm sàng chữa trị Covid-19.

Tuy nhiên, tại một thời điểm nào đó, phản ứng của vật chủ (tế bào của chúng ta) có thể mạnh đến mức phản tác dụng. Ví dụ: nhiều tế bào miễn dịch xâm nhập vào phổi và khiến cho màng phổi dày lên. Oxygen phải đi qua màng phổi mới vào được máu cho nên màng phổi dày sẽ hạn chế việc trao đổi khí, và trong trường hợp xấu nhất, bệnh nhân không tự thở được thì sử dụng máy thở là giải pháp cần thiết.

Hoặc đôi khi phản ứng tự vệ quá mạnh thành ra tấn công vào các tế bào khỏe mạnh. Đây có thể là trường hợp xảy ra ở Covid-19, vì vậy các loại thuốc tiềm năng hiện nay cũng được kiểm tra khả năng ngăn chặn phản ứng miễn dịch quá mức. Giám đốc Viện Vi sinh Y học, Miễn dịch học và Ký sinh trùng của Trường đại học Bonn, Đức, ông Achim Hörauf nhận định sự cân bằng giữa miễn dịch bảo vệ với phản ứng thái quá khi đối phó với virus corona vẫn là ẩn số mà các nhà nghiên cứu cần sớm tìm hiểu được.

Hệ miễn dịch của mỗi người có phản ứng khác nhau khi có các yếu tố ngoại lai xâm nhập vào cơ thể và còn tùy vào mỗi người đã từng trải qua những gì và tiếp xúc với những mầm bệnh nào. Trong khi các tế bào T giúp loại bỏ các tế bào nhiễm bệnh thì các tế bào B tạo nên các kháng thể có thể kiểm soát virus. Trong trường hợp virus corona, đây là những kháng thể trung hòa liên kết với protein dằm của virus (protein dằm giống như chiếc chìa khóa để virus xâm nhập được vào vật chủ tức là vào tế bào con người). Kháng thể trung hòa có thể vô hiệu hóa protein dằm. Hệ thống miễn dịch của chúng ta ghi nhớ các kháng thể mà hệ miễn dịch đã tạo ra và sẵn sàng chống đỡ những lần sau nếu cơ thể bị nhiễm cùng một loại virus đó.

Cơ thể con người có tạo miễn dịch với virus corona không và miễn dịch được bao lâu?

Vì virus corona mới khá giống với một số virus chúng ta đã từng gặp trước đây và các nghiên cứu dịch tễ học, các thí nghiệm trên động vật cũng cho thấy rất có thể chúng ta có miễn dịch với virus này. Thí nghiệm trên khỉ bị Covid-19 cho thấy chúng sinh ra kháng thể trung hòa và hồi phục sau vài ngày. Sau đó chúng tiếp xúc lại với mầm bệnh nhưng không hề có triệu chứng nào, chứng tỏ chúng đã có miễn dịch.


Khỉ Rezut và người có 90% DNA giống nhau.

Tuy nhiên, miễn dịch này kéo dài được bao lâu thì chưa ai biết. Điều này còn tùy vào việc cơ thể người bệnh đã tạo ra được kháng thể trung hòa một cách thành công hay chưa. Ông Achim Hörauf cho rằng miễn dịch này có thể tồn tại ít nhất 1 năm. Trong vòng 1 năm, bất cứ tiếp xúc nào thêm với virus cũng có tác dụng như một lần chủng ngừa tăng cường, khiến cho miễn dịch được kéo dài thêm. Ông cho biết virus này mới đến nỗi chưa ai có được phản ứng miễn dịch phù hợp, và ông cũng tin rằng miễn dịch này khó có thể là miễn dịch trọn đời. Miễn dịch trọn đời chỉ có được khi cơ thể gặp phải những virus ở lại trong cơ thể chúng ta lâu dài và nhờ đó cơ thể chúng ta có cơ hội để tìm hiểu về chúng suốt đời, còn virus corona chỉ là một virus RNA chứ không phải DNA nên nó không thể “sống” mãi trong cơ thể chúng ta được.

Nhà miễn dịch học người Đức, ông Stefan Meuer dự đoán rằng virus corona mới cũng sẽ đột biến như tất cả các virus khác. Ông cho rằng đến một thời điểm nào đó, khoảng 10 – 15 năm nữa, miễn dịch mắc phải của con người sẽ không còn tác dụng vì khi đó virus corona sẽ xuất hiện trở lại dưới dạng một chủng khác, nó đã biến đổi và kháng thể mà chúng ta có được hiện nay sẽ không còn tác dụng bảo vệ chúng ta nữa. Và khi đó vắc xin cũng không giúp ích được gì.

Chúng ta có thể tận dụng phản ứng sinh kháng thể của hệ miễn dịch như thế nào?

Các nhà nghiên cứu đã lấy huyết tương của những người khỏi bệnh Covid-19 để nghiên cứu và chữa cho một số bệnh nhân khác. Phương pháp này được gọi là tạo miễn dịch thụ động. Cho đến nay, các nghiên cứu đều cho kết quả khả quan, nhưng mới chỉ được thực hiện trên một số rất ít người bệnh.

Ông Achim Hörauf cho rằng tốt nhất là chỉ áp dụng phương pháp tạo miễn dịch thụ động cho những bệnh nhân mà hệ miễn dịch của họ đã bắt đầu hoạt động chống lại virus. Để cho bệnh nhân tự chống chọi càng lâu trước khi sử dụng miễn dịch thụ động thì càng tốt, bởi vì chỉ có miễn dịch chủ động mới giúp cho người đó được bảo vệ lâu dài. Đồng thời, việc nhận biết thời điểm nào là phù hợp để áp dụng miễn dịch thụ động là rất khó.


Nghiên cứu kháng thể đang được khẩn trương tiến hành.

Các xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR) hiện nay được tiến hành để phát hiện một người đã nhiễm virus corona hay chưa. Xét nghiệm này không cho biết RNA của virus đó có thể sinh sôi hay không mà chỉ cho biết virus còn tồn tại trong cơ thể người đó hay không. Xét nghiệm PCR cũng không cho biết hệ miễn dịch đã có kháng thể hay chưa, tức là không biết được người này trước đây đã tiếp xúc với virus và đã có kháng thể rồi và lần này sẽ được bảo vệ an toàn hay không. Vì thế các nhà nghiên cứu đang nỗ lực tìm hiểu các cách xét nghiệm máu để phát hiện sự có mặt của kháng thể. Ví dụ Singapore đã có xét nghiệm này rồi và Mỹ đang chuẩn bị hoàn thiện để đưa vào sử dụng. Nhờ có xét nghiệm này, chúng ta sẽ biết được số lượng các trường hợp nhiễm nhưng không có triệu chứng. Một tác dụng nữa của xét nghiệm này là những người đã có kháng thể có thể đảm nhận những công việc ở tuyến đầu để tránh cho những nhân viên y tế khác khỏi nguy cơ lây nhiễm.

Liệu một người có thể bị Covid-19 nhiều lần không?

Ông Achim Hörauf nói rằng theo những gì chúng ta biết thì không thể có chuyện nhiễm lại cùng một mầm bệnh, mà có thể người đó sẽ nhiễm các chủng virus corona khác hoặc các virus SARS hoặc MERS, là các virus có protein dằm khác nhau. Trong tình hình đại dịch hiện nay, chúng ta có thể coi rằng những người bệnh Covid-19 sau khi bình phục sẽ không bị lại nữa, cũng như không thể lây virus cho người khác nữa trong một thời gian.


Một phòng thí nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR).

Mất bao lâu thì người nhiễm virus không có khả năng lây cho người khác nữa?

Một nghiên cứu tiến hành ngay từ những ca bệnh đầu tiên ở Đức cho thấy sau 8 ngày kể từ khi người bệnh có triệu chứng thì virus không nhân bản nữa, cho dù PCR vẫn có thể phát hiện đến 100.000 bản sao gene trong mỗi mẫu xét nghiệm. Đây có thể là một thông tin cần thiết để chúng ta cân nhắc biện pháp phong tỏa trong những ngày tới.

Theo Viện Robert Koch, Đức, hiện nay bệnh nhân chỉ được ra viện sau khi có 2 xét nghiệm PCR (lấy mẫu từ họng) âm tính trong vòng 24 giờ. Nếu là bệnh nhân nặng, họ vẫn phải tự cách ly ở nhà thêm 2 tuần. Và dù là ra viện hay được ra khỏi nhà sau thời gian cách ly thì họ cũng phải đảm bảo không có bất kỳ triệu chứng nào trong vòng 48 giờ trước khi được ra viện hoặc ra khỏi nhà.


Nhân viên y tế cần được bảo vệ khi tiến hành xét nghiệm cho bệnh nhân nhiễm virus corona.

Vì sao cơ thể mỗi người lại có phản ứng khác nhau với virus?

Trong khi một số người chỉ có triệu chứng cảm lạnh nhẹ rồi khỏi, những người khác lại phải dùng máy thở hoặc tử vong do Covid-19. Những người có bệnh nền hoặc người già thường bị nặng nhất. Vì sao như vậy? Đây là câu hỏi được quan tâm nhất lúc này.

Nhà virus học người Đức, bà Angela Rasmussen và các đồng nghiệp cho biết còn phải mất rất nhiều thời gian nữa chúng ta mới hiểu được vì sao một số người lại bị bệnh nặng hơn những người khác. Virus là một yếu tố quan trọng, nhưng phản ứng của vật chủ cũng quan trọng không kém thậm chí còn quan trọng hơn.

Giáo sư Stefan Meuer của Trung tâm Nghiên cứu Truyền nhiễm, Đức, nhìn thấy một nguyên tắc sinh tồn cơ bản của tự nhiên trong hệ thống miễn dịch của chúng ta như sau: Nếu tất cả chúng ta đều giống nhau thì chỉ cần 1 loài virus cũng có thể quét sạch toàn bộ loài người ngay lập tức, nhưng nhờ có sự khác biệt, đa dạng di truyền mà việc một số người thiệt mạng trong khi những người khác thậm chí chẳng phải chú ý gì đến căn bệnh là điều hết sức bình thường.

Các nhà khoa học cũng đang ngờ rằng các biến thể miễn dịch là do di truyền quyết định. Ở Covid-19, bệnh nhân có thể bị viêm phổi kẽ, mà có thể là do phản ứng thái quá của hệ miễn dịch. Tuy nhiên, cũng có thể là mỗi người lại bị một lượng virus khác nhau tấn công dẫn đến tình trạng bệnh của họ khác nhau. Và lý do cuối cùng là phổi và cơ thể của họ khác nhau ra sao: một vận động viên có lá phổi chắc chắn lớn hơn lá phổi của một người nghiện hút thuốc.

Cập nhật: 09/04/2020 Theo Dân Trí
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video