Hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu được Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) công nhận, đánh dấu bước đi quan trọng của Trung Quốc trong mục tiêu phát triển sánh ngang với hệ thống định vị Mỹ.
Ủy ban An toàn Hàng hải thuộc IMO của Liên Hợp Quốc chính thức đưa hệ thống Bắc Đẩu vào hệ thống dẫn đường vô tuyến toàn cầu, theo nội dung các cuộc họp từ 17-21/11. Theo đó, Bắc Đẩu trở thành hệ thống thứ ba, sau GPS của Mỹ và GLONASS của Nga được các cơ quan của Liên Hợp Quốc công nhận trong hoạt động trên biển.
Kevin Pollpeter, chuyên gia nghiên cứu chương trình không gian của Trung Quốc và các vấn đề chiến tranh thông tin tại Đại học California, cho biết sự công nhận này chứng tỏ Bắc Đẩu có thể cung cấp dữ liệu định vị cho các vùng nó phủ sóng.
Hệ thống định vị Bắc Đẩu được yêu cầu sử dụng bắt buộc tại Trung Quốc, trong các hoạt động an ninh, du lịch, hàng hải... (Ảnh: china-defense-mashup.com)
Tuy nhiên, giới phân tích nhận định đây chưa phải là một hệ thống định vị hoàn thiện và gần như chưa thể so sánh với GPS trên phạm vi toàn cầu. Hiện nay, GPS phủ sóng 95% thị trường định vị của Trung Quốc.
"Tôi không cho rằng thông báo này sẽ dẫn đến một sự bùng nổ về nhu cầu sử dụng hệ thống định vị Bắc Đẩu", Pollpeter nói, viện dẫn các yếu tố đáng tin cậy đã được chứng minh trong nhiều năm của GPS, cũng như độ chính xác và chi phí thu rẻ hơn của hệ thống Mỹ.
Trung Quốc thử nghiệm hệ thống Bắc Đẩu lần đầu tiên năm 2010 và không ngừng đầu tư để phát triển khả năng cạnh tranh cũng như giảm dần sự lệ thuộc vào GPS. Chính phủ yêu cầu cơ quan an ninh, cứu trợ thiên tai, du lịch, các phương tiện vận chuyển công cộng trong nước sử dụng công nghệ vệ tinh do chính nước họ phủ sóng. Hơn 50.000 tàu đánh cá của Trung Quốc cũng được lắp đặt hệ thống này.
Chính phủ nước này đồng thời đặt ra mục tiêu phủ sóng trên toàn cầu với việc lắp đặt 35 vệ tinh quỹ đạo địa tĩnh và phi địa tĩnh đến năm 2020. Để mở rộng phạm vi phủ sóng ở các nước châu Á, Trung Quốc cung cấp dịch vụ miễn phí phục vụ nhu cầu sử dụng dân sự. Hệ thống cũng đang được thử nghiệm ngay tại khu vực này, như ứng dụng trong dịch vụ taxi ở Campuchia hay quản lý sử dụng đất ở Myanmar.
"Trung Quốc coi sự phát triển của Bắc Đẩu đóng vai trò quan trọng đối với lĩnh vực quân sự và an ninh kinh tế, do đó họ xác định nó như một phần của cơ sở hạ tầng quốc gia", Pollpeter nói.