Hiểm họa tiểu hành tinh kép

Điều gì còn tệ hơn việc tiểu hành tinh va chạm trái đất? Câu trả lời là “sát thủ” song sinh, chỉ vụ tấn công trái đất đồng thời của hệ tiểu hành tinh kép.

Thử hình dung trong đoạn cuối bộ phim Armageddon, nhân vật do tài tử Bruce Willis thủ vai đã khoan lỗ trên một tiểu hành tinh, nhét chất nổ và chuẩn bị bấm nút kích nổ để cứu trái đất khỏi thảm họa bị tấn công. Tuy nhiên, khi xoay người lại, ông này phát hiện một tiểu hành tinh khác đang bám theo sát nút, và mục tiêu của nó cũng là địa cầu. Không còn chất nổ và người hỗ trợ, nhiệm vụ này trở thành bất khả thi nếu xét theo tiêu chuẩn làm phim khoa học viễn tưởng của Hollywood.


Hồ Clearwater ở Mỹ - một trường hợp hố va chạm kép hình thành khoảng 290 triệu năm trước - (Ảnh: meteorite.org)

Đây không phải chỉ là chuyện tưởng tượng. Theo một nghiên cứu mới đây, các chuyên gia châu Âu phát hiện trái đất từng hứng thảm họa tiểu hành tinh kép cách đây khoảng 458 triệu năm. Tiến sĩ Jens Ormo và đồng sự thuộc Trung tâm sinh vật học vũ trụ tại Madrid (Tây Ban Nha) đã tiến hành phân tích các hóa thạch nhỏ bé giống sinh vật phù du tại 2 hố va chạm liền kề nhau ở Thụy Điển. Kết quả cho thấy bộ đôi hố va chạm này đã được hình thành khi một hệ tiểu hành tinh kép đâm vào bề mặt địa cầu vào kỷ Ordovic của đại Cổ sinh.

Nhiều nhà thiên văn học cho hay những hệ thống tiểu hành tinh kép phổ biến hơn vẫn tưởng, và có gần 15% số tiểu hành tinh cận trái đất rơi vào nhóm đặc biệt này. Các cặp đôi này hình thành khi một dạng tiểu hành tinh gọi là “đống cuội” (tức do nhiều tảng đá kết dính lại với nhau dưới tác động của lực hấp dẫn), bắt đầu xoay nhanh chóng do được tiếp nhiệt lượng từ mặt trời. Trong quá trình xoay, một phần nhỏ tách ra và tạo thành tiểu mặt trăng của tiểu hành tinh. Dù vậy, không phải hệ tiểu hành tinh kép nào cũng gây nên hố va chạm khi lao vào trái đất, do các vật thể này thường có khuynh hướng bám sát nhau nên khó tạo ra vết lõm riêng biệt. Từ đó, các nhà khoa học tính toán được rằng chỉ có khoảng 3% số hố va chạm trên bề mặt địa cầu có thể được liệt vào dạng hố va chạm đôi.

Về phần mình, tiến sĩ Ormo lý luận rằng 2 hố va chạm có tên lần lượt LockneMalingen nhiều khả năng là song sinh. Để rút ra kết luận trên, nhóm của ông đã dùng mũi khoan để lấy những hóa thạch sinh vật biển gọi là chitinozoan bên trong các hố va chạm, và kết quả phân tích đồng vị cho thấy chúng xuất hiện vào cùng một thời điểm. Khoảng cách giữa 2 hố va chạm cũng góp phần ủng hộ giả thuyết của nhóm Ormo. Theo đó, Lockne và Malingen cách nhau 16km, đủ gần trong trường hợp 2 tiểu hành tinh bị lực hấp dẫn khóa vào với nhau, nhưng vẫn đủ xa để các hố va chạm không bị chồng lên. Báo cáo của tiến sĩ Ormo và đồng sự sẽ được trình bày tại hội nghị thiên văn sắp tới ở Texas, và được đăng trên chuyên san Meteoritics and Planetary Science.

Theo Thanh Niên
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video