Nhờ kỹ thuật mới, các nhà thiên văn Mỹ phát hiện hai vụ nổ siêu lớn của sao ở rìa vũ trụ. Chúng là những ngôi sao xa nhất mà loài người từng biết.
Ánh sáng từ hai vụ nổ bắt đầu hành trình tới trái đất từ 11 tỷ năm trước, tức là không lâu sau khi vũ trụ được sinh ra bởi vụ nổ lớn (Big Bang).
Vụ nổ siêu lớn (supernova) xảy ra khi một ngôi sao có khối lượng gấp 50 lần mặt trời trở lên tự hủy diệt bằng cách nổ tung. Thông thường các nhà khoa học phát hiện supernova bằng cách chụp một khoảng không gian vũ trụ vào nhiều thời điểm rồi so sánh các bức ảnh với nhau. Nếu họ nhìn thấy một tia sáng mới trong một bức ảnh nào đó thì đó là một vụ nổ. Ngôi sao xa nhất mà giới thiên văn học tìm thấy nhờ kỹ thuật trên cách trái đất 6 tỷ năm ánh sáng.
Hình ảnh một trong hai ngôi sao siêu lớn nổ tung ở rìa vũ trụ. |
Kỹ thuật chụp ảnh mới nhất cho phép các nhà khoa học kết hợp các bức ảnh được chụp trong một năm rồi so sánh chúng với những ảnh chụp từ nhiều năm khác.
Tiến sĩ Jeff Cooke, một nhà thiên văn của Đại học California (Mỹ), giải thích: "Nếu đưa toàn bộ ảnh vào một chỗ, bạn có thể tiến sâu hơn vào vũ trụ và phát hiện những vật thể mờ nhạt mà trước đây chúng ta không thể nhìn thấy. Kỹ thuật này giống như việc bạn mở màn chập rất lâu khi chụp ảnh để lấy thêm nhiều ánh sáng hơn".
Sau khi phân tích hàng nghìn bức ảnh do một kính viễn vọng ở bang Hawaii (Mỹ) cung cấp, Cooke và cộng sự phát hiện 4 vụ nổ siêu lớn, trong đó có hai vụ nổ ở rìa vũ trụ.
"Vũ trụ đã tồn tại khoảng 13,7 tỷ năm. Vì thế có thể nói chúng ta được ngắm nhìn hai trong số những ngôi sao đầu tiên của vũ trụ", Cooke nói.
Vào năm ngoái Cooke và một số nhà thiên văn học phát hiện một nhóm thiên hà cách trái đất 11,4 tỷ năm ánh sáng. Đó là những thiên hà xa nhất mà loài người từng tìm thấy.