Trên khắp thế giới, những điều kiện khí hậu và khí quyển dẫn đến hiện tượng tự nhiên vô cùng kỳ lạ khiến con người phải sửng sốt khi chứng kiến. Do đó, sẽ không hoàn toàn sai khi nói rằng mẹ thiên nhiên có thể khiến chúng ta choáng váng hơn bất cứ tiến bộ công nghệ nào của loài người. Một sự kiện thiên nhiên ngoạn mục như vậy phải kể đến sét Catatumbo tại khu vực ít được biết đến ở phía tây Venezuela, nơi sông Catatumbo gặp hồ Maracaibo.
Hồ nước Maracaibo ở Venezuela là nơi tia sét xuất hiện với tần suất cao nhất thế giới, trung bình từ 140 tới 160 đêm/năm, 10 giờ/ngày và 28 lần/phút.
Bởi những cơn bão sét kéo dài tới 10 tiếng mỗi đêm nên nó gần như liên tục chiếu sáng hồ Maracaibo và những khu vực xung quanh. Trước đây, những người lính thuộc địa đã biết sử dụng những tia sáng rực rỡ này để điều hướng. Do có quá nhiều sét đánh mỗi ngày, hồ Maracaibo được ví như vùng đất bị "trời hành".
Sét Catatumbo là hiện tượng khí quyển đặc biệt ở Venezuela. Nó chỉ xảy ra tại cửa sông Catatumbo - khu vực đổ vào hồ Maracaibo, bang Zulia, phía tây bắc đất nước. Đây là nơi ghi nhận số lượng và tần suất sét đánh nhiều nhất trên thế giới. Sét Catatumbo bắt nguồn từ những đám mây bão lớn ở độ cao trên 5.000m. (Ảnh: Alan Highton)
Với số lượng tia sét mạnh xảy ra thường xuyên trên một diện tích nhỏ, hồ Maracaibo là nơi tạo ra ozone ở tầng đối lưu duy nhất trên thế giới. (Ảnh: Alamy)
Một yếu tố đáng ngạc nhiên của những tia sét nhất quán này là chúng không có sấm đi kèm. Một số người tin rằng sét Catatumbo không gây ra sấm và đây thực sự là một bí ẩn. Người ta có thể nhìn thấy ánh sáng từ những tia sét ở khoảng cách hơn 400km. Chúng tạo ra một luồng sáng rực rỡ trên đường chân trời. (Ảnh: Mysteriousuniverse)
Dân địa phương biết tới sét Catatumbo từ nhiều thế kỷ trước. Họ từng gọi hiện tượng này là "rib a-ba" hay "dòng sông lửa" và coi đây là dấu hiệu của các vị thần. Ở thời kỳ thuộc địa của vùng Caribbean, thủy thủ dùng ánh sáng từ những tia sét như ngọn hải đăng dẫn đường. (Ảnh: Alan Highton)
Tùy vào độ ẩm của không khí trong đêm, những tia sét xuất hiện với màu sắc khác nhau và thậm chí chuyển màu chỉ trong một đêm. Khi độ ẩm cao, các giọt nước trong không khí rất nhỏ. Chúng như những lăng kính giúp tán xạ ánh sáng và tạo ra những tia sét tuyệt đẹp đủ màu sắc từ đỏ rực, hồng, cam tới tím. Khi độ ẩm thấp, những tia sét có màu trắng. (Ảnh: Mysteriousuniverse)
Người dân và giới khoa học đưa ra nhiều lý giải cho hiện tượng sét Catatumbo. Vào những năm 1960, các mỏ uranium trong khu vực được cho là nguyên nhân hút sét. Tuy nhiên, lời giải thích phổ biến nhất cho hiện tượng độc đáo này là do sự kết hợp của địa hình hồ Maracaibo và khí quyển tại khu vực, chẳng hạn như gió và nhiệt độ là nguyên nhân hình thành, phát triển các cơn bão lớn. Một giả thiết hợp lý khác là hồ Maracaibo nằm trên đỉnh của một trong những mỏ dầu lớn nhất thế giới, vốn sản sinh một lượng lớn khí methane. Chúng rò rỉ vào không khí và làm tăng tính dẫn điện. (Ảnh: Alan Highton)
Sau khi xuất hiện liên tục trong hàng thế kỷ, những tia sét ngừng hình thành trên hồ Maracaibo từ tháng 1 đến 4/2010 do hạn hán. Tuy nhiên, chúng xuất hiện trở lại chỉ sau vài tháng. Thời gian gần đây, sét Catatumbo được ghi vào Sách Kỷ lục Guinness vì nó xuất hiện tới 300 đêm/năm. (Ảnh: Mysteriousuniverse)