Hồ nước lớn thứ hai Thổ Nhĩ Kỳ biến mất do biến đổi khí hậu

Hồ nước mặn Tuz, nơi có trữ lượng muối ước tính 250 triệu tấn, đang khô cạn do biến đổi khí hậu và phát triển nông nghiệp.

Hình ảnh do vệ tinh Copernicus Sentinel-2 của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) chụp hôm 23/10 cho thấy hồ Tuz khô cạn chỉ trong một năm. Nơi từng là hồ nước lớn thứ hai Thổ Nhĩ Kỳ giờ chỉ còn là một ruộng muối khổng lồ.

Tuz từng là một trong những hồ nước mặn lớn nhất thế giới. Nó thường phình ra rồi co lại tùy theo mùa. Tuy nhiên, hồ Tuz đang dần thu hẹp qua các năm. Nguyên nhân là lượng nước chảy vào ngày càng ít do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và phát triển nông nghiệp.


Ảnh chụp vệ tinh của hồ Tuz, Thổ Nhĩ Kỳ, hôm 23/10. (Ảnh: European Union/Copernicus Sentinel-2).

Tuz, giống các hồ nước mặn khác, được tạo thành do lòng hồ trũng giữ lại những dòng nước chảy vào. Lượng nước này mang theo muối và các khoáng chất khác từ sông suối. Khi nước bốc hơi, những chất này sẽ đọng lại trong hồ. Tuz hình thành khi nước mưa và nước từ băng tuyết tan đổ vào hồ mỗi mùa xuân. Hồ chỉ sâu trung bình khoảng 1 m. Vào mùa hè, lượng lớn nước bốc hơi để lại lớp muối dày 8 cm.

Lượng muối này tạo điều kiện cho ngành khai thác muối địa phương phát triển. Với trữ lượng muối ước tính khoảng 250 triệu tấn, Tuz là một trong những hồ mặn nhất hành tinh với tỷ lệ muối ước tính lên tới 32%. Hồ cung cấp 60% lượng muối sử dụng ở Thổ Nhĩ Kỳ, phần còn lại được xuất khẩu sang hơn 60 quốc gia.

Để tạo muối, hồ Tuz cần được bổ sung nước thường xuyên. Tuy nhiên, hồ nước này đang thu hẹp trong những năm gần đây. Điều này có vẻ do tác động kép của biến đổi khí hậu và hạn hán ảnh hưởng đến nguồn nước, cũng như hoạt động công nghiệp và nông nghiệp gia tăng làm chuyển hướng dòng nước trước khi chúng chảy tới hồ. Một nghiên cứu năm 2007 cho thấy, kích thước hồ Tuz chỉ bằng một nửa so với 40 năm trước.

Sinh vật hoang dã trong vùng cũng chịu ảnh hưởng lớn từ thay đổi này. Hồ Tuz cung cấp môi trường sống quan trọng cho nhiều loài chim. Chính quyền địa phương ước tính, hè năm nay, khoảng 1.000 chim non chết vì mực nước thấp. Trong khi đó, các nhà môi trường học cho biết chỉ có 5.000 chim non mới nở, ít hơn nhiều so với năm 2018 với 12.000 con.

Muazzez Celik Karakaya, giảng viên khoa học tự nhiên tại Đại học Kỹ thuật Konya, cho rằng hồ Tuz có thể biến mất vĩnh viễn trong vòng 30 năm nếu không hành động quyết liệt. "Khi nước giảm do ấm lên toàn cầu, lượng muối kết tinh cũng sẽ giảm. Điều này gây ra những hậu quả tiêu cực vì có hơn 100 loài chim sống trong khu vực này. Nếu sự kết tinh muối không xảy ra do lượng nước giảm, một lớp cặn đất sét sẽ hình thành trên mặt hồ, mang lại lượng lớn bụi và có thể dẫn đến nhiều bệnh về đường hô hấp", bà nói.

Cập nhật: 05/11/2021 Theo VNE
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video