Các câu hỏi này đặt ra từ đúng một thế kỷ nay, khi nhà địa chất người Đức Gottfried Merzbacher khám phá chiếc hồ năm 1904 (và từ đó nó được mang tên ông). Với mong muốn phá vỡ bí ẩn của hồ Merzbacher, một đoàn thám hiểm quốc tế do GFZ Berlin tiến hành đã lên đường đến chiếc hồ này vào mùa hè năm nay. Lần đầu tiên, các nhà khoa học cố gắng trả lời câu hỏi đó.
Con sông băng khổng lồ Inylchek dài 65 km, với hai nhánh chính hội tụ nhau cách đoạn cuối sông 15 km. Tại chỗ giao nhau của hai nhánh, ở độ cao 3.300 m, đó là hồ Merzbacher, sâu 130 mét, một phần bị bao phủ bởi các núi băng trôi. Mỗi năm, nước hồ rút sạch đi trong 3 ngày, vào khoảng đầu tháng 8.
Điều không thể đã diễn ra. Vào lúc 16h ngày 6/8/2004, hồ Merzbacher bắt đầu tự tháo cạn nước đi! Cứ mỗi năm, hiện tượng lạ lùng trên lại xảy đến vào thời gian này. Với vẻ ngoài bình lặng, lượng nước đông giá của nó dần dần đổ vào đáy sâu của con sông băng Inylchek. Thấp hơn 30 km và sau vài giờ, đến lượt thung lũng bao la bị ngập nước. Từ một con sông khiêm tốn trên núi, Inylchek đã trở thành một đại dương hung dữ, chiếm trọn cả không gian. Trong 3 ngày đêm, chiếc hồ tháo sạch 250 triệu m3 nước của mình, chỉ để lại trong lòng hồ một thảm các khối băng khổng lồ u buồn. Ngày 9/8, hiện tượng nước rút hoàn tất trong thung lũng. Con sông băng chấm dứt sự thay hình đổi dạng của nó. Còn hồ Merzbacher đã trống rỗng. Nhờ điều kỳ diệu nào mà chiếc hồ bắt nguồn từ sông băng này có thể tự tháo nước đi trong vòng 3 ngày? Nước đã chảy đi đâu? Sự tháo sạch nước đã xảy ra như thế nào? Và bằng cách nào hồ lại đầy nước trở lại?
Ngày 19/7/2004. Khi đến Bichkek, thủ đô Kirghizistan, khó khăn đã lộ ra. Serguei Dushavili, một trong những lãnh đạo của đoàn thám hiểm, thông báo: "Có thể chúng ta buộc phải dùng ngựa cho 4 ngày đường, nếu như trực thăng không sử dụng được". Không thể bỏ lại những người Nga, chiếm đại đa số trong đoàn, cho dù ở Kirghizistan chỉ có một chiếc trực thăng duy nhất. Nhưng rồi cuối cùng một chiếc MI-8 khổng lồ cũng xuất hiện đón chúng tôi sau hai ngày đường vất vả trên con đường xấu.
Chúng tôi dựng lên hai trại, cách nhau 20 km: một trại nằm dưới chân con sông băng, nơi mà sông Inylchek bắt nguồn và trại thứ hai nằm ngay trên con sông, đối diện với hồ Merzbacher. Trong liên lạc vô tuyến hằng ngày với nhau, chúng tôi gọi tên hai trại lần lượt là Paliana và Basa. Con sông băng được chia cắt thành nhiều khu vực, từ tây sang đông, và mỗi êkip chịu trách nhiệm nghiên cứu các khu vực gần với trại của mình. Lúc này hồ còn đầy nước, do chúng tôi đã quan sát trước bằng máy bay vào buổi sáng. Thậm chí là rất đầy nước, theo các phi công thường bay tới đây để thả các nhà leo núi xuống chân ngọn núi Khan Tengri cao 7.000 mét. Trong tháng 7, hồ Merzbacher đạt mức lưu lượng nước kỷ lục.
Mỗi người một giả thuyết riêng
Đặc điểm của mỗi cuộc thám hiểm là sự may rủi đè nặng trước các bí ẩn của tự nhiên. Cuộc thám hiểm của chúng tôi cũng không thoát khỏi quy luật đó. Chúng tôi muốn có nhanh những câu trả lời sau khi có mặt tại hiện trường được vài hôm. Tuy nhiên, cuộc thám hiểm được lên chương trình cho 4 năm. Mục tiêu của năm đầu tiên này là thiết lập mạng lưới các điểm GPS, để đo đạc, nhờ vào các vệ tinh định vị mọi sự di chuyển của con sông băng. Tiến sĩ Wasili Michaljow, trưởng đoàn thám hiểm, dự đoán: "Có lẽ chúng ta sẽ có nhiều câu trả lời vào vài tuần nữa. Nhưng hiện thời chúng ta nên giảm thiểu bớt các giả thuyết". Mặc dù vậy, các giả thuyết vẫn kích thích trí tò mò của mọi người. Lúc đó, Serguei Dudashvili đưa ra giả thuyết của mình:
Đã không có bất kỳ một lỗ thủng nào cho phép hồ Merzbacher tháo nước đi, nhưng nhiều miệng lỗ bị tắc nghẽn do các khối băng khổng lồ. Vào mùa đông, các khối băng này vẫn còn áp sát bề mặt đáy nhiều lỗ xốp như là một loại rào cản tự nhiên. Nhờ thế mà chiếc hồ ngập nước, vì các "nắp van" vẫn bị đóng lại do hiệu quả của áp suất và nhiệt độ thấp. Khi mùa hè đến, nước nóng dần lên và các khối băng to bắt đầu tan chảy, cho đến lúc mà - theo Serguei - chúng mất đi sự bám dính, đột ngột trồi lên bề mặt. Hiện tượng này tương ứng với sự mở đột ngột các "nắp van". Một giả thuyết như thế chỉ có thể đứng vững nếu như mực nước hồ dâng lên về phía hạ lưu cũng đột ngột không kém. Do đó chúng ta còn phải chờ đợi để biết sự thật nằm ở đâu.
Ngày 28/7/2004. 6 ngày đã trôi qua kể từ lúc chúng tôi đặt chân đến trại Paliana. Chúng tôi kẻ ô vuông khu vực một vùng khoảng 10 km. Độ cao trung bình 3.000 mét. Vì lý do an toàn, trại của chúng tôi nằm ở phía tây con sông Inylchek, điều đó khiến chúng tôi buộc phải lội nước để đến con sông băng. Nhiệt độ nước là 1 độ C.
Trong khi chúng tôi lắp đặt các cột mốc trên khu vực cuối sông băng, nhà nghiên cứu hang động Wasili Filipienko xác định được hai hang động khổng lồ. Ở cách hồ chưa đầy 2 km, hai hang này có thể nằm trong mạng lưới thủy văn tiêu nước của chúng. Trong thời kỳ "nóng", sự tan chảy và lưu lượng nước đóng băng trong hai hang động trên, không kể đến chiếc hồ đang đe dọa rạn vỡ bất cứ lúc nào, không cho phép các nhà khoa học thăm dò chúng được. Sau hai lần mạo hiểm thâm nhập hang bất thành, chúng tôi đành bỏ cuộc. Công việc nghiên cứu hang động phải rời sang mùa thu.
Ngày 1/8/2004. Như không màng đến sự chờ đợi của đoàn thám hiểm, hồ Merzbacher vẫn cứ đầy nước. Serguei lúc đó đề nghị tiến về hướng nam. Ở đây sông băng rộng hơn, khoảng 4 km và đặc biệt xáo trộn. Từ trại chúng tôi, phải mất 3 giờ đi bộ mới đến được vùng đất bí mật tách nước khỏi hồ, khỏi con sông băng nói riêng. Chúng tôi biết chiếc hồ thủng nằm tại vùng này, nhưng không có ai đến được đó. Điều gì xảy ra trong cái rào chắn tự nhiên này? Sự chuyển tiếp giữa yếu tố nước và băng đã diễn ra như thế nào?
Yếu tố đơn giản, và rất có thể giải thích cho sự tồn tại của chiếc hồ, là sự dâng lên của băng từ nhánh nam của con sông băng tại nơi này. Thay vì tan chảy cùng nhánh bắc trong một chữ Y hoàn hảo, như mọi con sông băng trên thế giới, nhánh này lại dâng lên hình thành một rào cản băng giá khiến nước hồ Merzbacher được giữ lại.
Chúng tôi không bao giờ đến được bờ nam của hồ. Càng đến gần, các núi băng càng to ra, hòa vào nhau và tạo ra nhiều khe nứt. Chúng tôi có một điều chắc chắn: mặt băng dâng lên này của nhánh nam là nguyên nhân của hiện tượng hồ thủng duy nhất trên thế giới. Không có sự bất thường này sẽ chẳng có chiếc hồ. Trong một thế kỷ, hồ Merzbacher dịch chuyển từ 2 đến 3 km đến hạ lưu. Từ nay rào cản băng giá rất gần chỗ giao nhau của hai nhánh sông, và có lẽ hồ sẽ biến mất trong một tương lai khá gần.
Ngày 3/8/2004. Kết thúc cuộc thám hiểm tạm thời. Chiếc hồ vẫn đầy nước. Tôi quyết định ở lại một mình cho đến lúc hồ cạn nước. Không phải tại trại Basa, nơi khó quan sát, mà trong thung lũng, cách 30 km về phía dưới, nơi hiện tượng dâng nước sẽ rất ngoạn mục.
Ngày 5/8/2004. Tatiana chia sẻ với tôi nhiều dấu hiệu cho thấy chiếc hồ bắt đầu rút nước. Những điểm nước mới xuất hiện trong lòng sông. Lưu lượng sông băng Inylchek tăng dần...
Ngày 6/8/2004. Lúc 16 giờ. Lần này con sông đã gấp 3, 4 lần khối lượng. Thung lũng tràn nước. Chắc chắn chiếc hồ đang tan rã. Giả thuyết của Serguei bị loại bỏ. Lưu lượng nước không ngừng tăng lên trong 2 ngày. Rõ ràng là sự khai mở "các nắp van" không diễn ra đột ngột. Chắc chắn là sự tan chảy của các nút băng giải phóng dần dần nước của hồ Merzbacher, chứ không phải sự dâng lên mặt của các nút băng.
Cuối cùng, để giải được bí ẩn hồ thủng Merzbacher, có lẽ chúng ta phải chờ vài năm nữa...