Hoa dã quỳ Ba Vì có phải loài xâm lấn mạnh?

Trong khi một số ý kiến nêu dã quỳ là loài xâm lấn mạnh, nhiều người vẫn yêu thích và đổ về vườn quốc gia "săn dã quỳ".

Gần đây, một bài đăng về hoa dã quỳ của TS Đặng Hoàng Giang trên mạng xã hội đã khiến nhiều người xôn xao. Cụ thể, TS Đặng Hoàng Giang viết "dã quỳ là một loài xâm lấn mạnh mẽ ở nhiều quốc gia nhiệt đới, trong đó có Việt Nam". Ông cũng dẫn ý kiến các nhà chuyên môn cho rằng dã quỳ là 1 trong 5 loài xâm lấn mang lại rủi ro cao (high risk) ở vùng đệm, và 1 trong 2 loài xâm lấn rủi ro cao trong vùng lõi của Vườn quốc gia Ba Vì, loài kia là ngũ sắc.


Bạn trẻ chụp ảnh với hoa dã quỳ tại Vườn quốc gia Ba Vì. (Ảnh: Phan Như).

Tuy nhiên, theo một số nhà nghiên cứu sinh học và địa lý, việc hoa dã quỳ có phải một loài xâm lấn mạnh tại Việt Nam hay không vẫn còn đang gây tranh cãi.

Nguồn gốc và khả năng xâm lấn của hoa dã quỳ

Hoa dã quỳ (tên khoa học: Tithonia diversifolia) có nguồn gốc từ khu vực Trung Mỹ. Trong nhiều thập kỷ, loài thực vật ngoại lai này đã phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Với sắc vàng rực rỡ và sức sống bền bỉ, loài cây này từ lâu đã được người dân sử dụng để làm cảnh. Tuy nhiên, bên cạnh giá trị thẩm mỹ, dã quỳ cũng đặt ra nguy cơ tiềm tàng về mặt sinh thái và môi trường.

Theo TS Vũ Anh Tài (nhà nghiên cứu tại Viện Địa lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), hoa dã quỳ là một trong những loài thực vật có khả năng xâm lấn cao, đặc biệt tại các khu vực có khí hậu nhiệt đới. "Ở những vùng đất không được quản lý chặt chẽ, dã quỳ có thể phát triển mạnh mẽ, lấn át các loài bản địa và làm thay đổi cấu trúc sinh thái”, ông Vũ Anh Tài nhận định.


Hoa dã quỳ phủ vàng một góc của Vườn quốc gia Ba Vì. (Ảnh: Nhịp sống Hà Nội).

Trước đó, vào tháng 6/2022, TS Vũ Anh Tài cùng các đồng nghiệp đã công bố một bài báo khoa học Khảo sát và đánh giá các loài cây xâm lấn tại Vườn quốc gia Ba Vì. Đây cũng là tài liệu được ông Đặng Hoàng Giang dẫn ra phía dưới bài đăng của mình. Trong tác phẩm này, TS Vũ Anh Tài nhấn mạnh sự nguy hiểm của hoa dã quỳ đến từ việc khả năng sinh sôi của chúng có khả năng lan rộng ở các khu vực đất trống, ven đường hoặc những khu vực canh tác bị bỏ hoang.

"Tại Ba Vì, dã quỳ đã xâm lấn vào nhiều khu vực, từ các lối đi trong Vườn quốc gia cho đến các trang trại bên ngoài. Nếu không được kiểm soát, loài cây này có thể gây tác động tiêu cực đến đất nông nghiệp và sinh cảnh tự nhiên”, TS Vũ Anh Tài cho biết thêm. Đặc biệt, tinh dầu do cây tiết ra có thể ức chế sự nảy mầm và phát triển của các loài thực vật khác. Điều này tạo ra sự cạnh tranh bất lợi cho các cây bản địa.

Để kiểm soát sự xâm lấn của dã quỳ, TS Vũ Anh Tài đề xuất cần có các biện pháp quản lý đất hiệu quả, đặc biệt ở các vùng rừng trồng mới và đất canh tác bị bỏ hoang. Việc nghiên cứu các phương pháp sinh học, như sử dụng các loài thực vật hoặc vi sinh vật bản địa để kiểm soát dã quỳ, cũng cần được ưu tiên.

Chưa có bằng chứng rõ ràng để khẳng định hoa dã quỳ là loài xâm lấn

Mặc dù dã quỳ là loài có nguy cơ xâm lấn cao tại Vườn quốc gia Ba Vì, TS Vũ Anh Tài cũng nhận định rằng các bằng chứng về mức độ nguy hiểm của giống cây này chưa được ghi nhận ở những vùng khác. Ý kiến trên đồng thời được đưa ra bởi các nhà khoa học tại Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam).

Chuyên gia sinh thái phân tích rằng hoa dã quỳ có khả năng phát triển tốt ở các khu vực có điều kiện khí hậu và đất đai phù hợp, chẳng hạn nơi đất khô ráo, thoáng mát và nhiệt độ vừa phải. Loài này không phát triển mạnh ở các vùng đất ngập nước hoặc hệ sinh thái nhạy cảm. Hơn hết trong rừng với những tán cây to che phủ ánh sáng, cây dã quỳ không thể sinh trưởng. Vì vậy, chúng chỉ xuất hiện ở những khu vực ven đường hoặc vùng đất trống.


Một bạn trẻ chụp ảnh với hoa dã quỳ tại Đà Lạt. (Ảnh: Hồng Tâm).

“Khảo sát những thông tư của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy dã quỳ không nằm trong danh sách thực vật ngoại lai có nguy cơ xâm lấn tại Việt Nam”, các nhà khoa học từ Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cho biết. Theo đó, tại phụ lục 1, Thông tư 35/2018/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường, 6 loài thực vật bị liệt vào danh sách cây xâm lấn gồm Bèo tây, Cây ngũ sắc, Cỏ lào, Cúc liên chi, Trinh nữ móc và Mai dương.

Mặc dù vậy, chuyên gia sinh học cũng đề xuất các địa phương cần quản lý chặt chẽ việc phát triển loài hoa này để cân bằng giữa lợi ích du lịch và bảo vệ môi trường. Việc khoanh vùng trồng dã quỳ tại các khu vực cụ thể không chỉ giúp duy trì cảnh quan đẹp mắt mà còn hạn chế nguy cơ cạnh tranh không mong muốn với hệ sinh thái bản địa. Ví dụ ở Đà Lạt, dã quỳ thường được trồng dọc các tuyến đường dẫn từ sân bay Liên Khương, tạo nên một "đặc sản" thu hút du khách mà không ảnh hưởng đến các vùng đất khác.

Nhằm đảm bảo phát triển bền vững, việc nghiên cứu kỹ lưỡng về tác động của dã quỳ lên môi trường vẫn cần được thực hiện. Đồng thời, các kinh nghiệm quản lý loài ngoại lai từ các quốc gia khác cũng có thể là bài học hữu ích cho Việt Nam. Nhìn chung, hoa dã quỳ không chỉ là biểu tượng của vẻ đẹp tự nhiên mà còn là một ví dụ tiêu biểu về sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên khi được quản lý một cách hợp lý.

Cập nhật: 10/12/2024 Znews
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video