Hoạt động khoa học và công nghệ góp phần xây dựng nông thôn "bốn có"

Hoạt động khoa học công nghệ ở Ðồng Nai đã góp phần xây dựng nông thôn "bốn có" đó là có cơ sở hạ tầng khá, có đời sống kinh tế được cải thiện, có đời sống văn hóa lành mạnh, có môi trường sống tốt.

Tại Ðồng Nai, tổng diện tích cây trồng các loại lên đến hơn 367.500 ha, đạt hơn 62% tổng diện tích đất tự nhiên, trong đó có hơn 117.600 ha cây công nghiệp và gần 49.800 ha cây ăn quả thuận lợi trong việc phát triển nông nghiệp hàng hóa có lợi thế cạnh tranh. Ðiều đó đã thể hiện phần nào kết quả chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

Triển khai nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật

Cuối năm ngoái, Trung tâm khuyến nông Ðồng Nai hỗ trợ anh Lê Văn Tâm ở ấp Bàu Sình (xã Suối Cao, huyện Ðịnh Quán). Lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt. Tuy mới thực hiện, nhưng ngay trong mùa khô, hai loại cây chôm chôm và sầu riêng xanh tốt, khỏe mạnh, ra hoa đậu trái hàng loạt, tỷ lệ đậu trái cao, đồng đều, chất lượng ổn định, năng suất cao. Cây xoài mới 12 tháng tuổi đã đạt chiều cao 2 m, đường kính tán gần 2,5 m. So với trước, năng suất chôm chôm gấp 2,5 lần, sầu riêng 1,7 lần. Nhiều mảnh vườn có lắp hệ thống tưới tiết kiệm như vườn xoài của các anh Phạm Công Triệu, Phạm Văn Hướng, Nguyễn Thế Bảo, Phạm Văn Ðược ở xã Xuân Tâm (huyện Xuân Lộc), Nguyễn Công Bảo ở xã Bảo Bình (huyện Cẩm Mỹ), vườn bưởi và quýt của anh Nguyễn Văn Phước ở xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc), vườn tiêu của chị Bùi Thị Ngọc Hoa và vườn cà-phê của anh Diệp Lộc Thuận cùng ở xã Quang Trung (huyện Thống Nhất) cũng vậy, năng suất tăng từ 20 đến 50% tùy loại cây trồng.

Trung tâm cũng phổ biến mô hình tưới phun sương cho rau trồng trong nhà lưới. Mô hình được thực hiện tại vườn của ông Vũ Văn Thương (xã Phú Ðông, huyện Nhơn Trạch). Ông Thương cho biết, chỉ sau 25 ngày đã thấy rõ hiệu quả của mô hình, năng suất tăng 15%, rút ngắn được thời gian sinh trưởng của cây trồng ba ngày, giảm thời gian tưới 50% và tạo nhiệt độ mát đồng đều trong nhà lưới. Rồi các mô hình hai giảm, ba tăng trên cây có múi, ba giảm, ba tăng trên cây lúa, ứng dụng công nghệ cao trên đất cát, trồng bắp vụ đông xuân, nuôi cá lăng nha, xử lý ra hoa mãng cầu, na trái vụ, trồng bông vụ hai với kỹ thuật "lùi thời vụ, bấm ngọn thân, giảm lượng phân, nâng mật độ trên phủ bổi dưới lót lân, thuốc cỏ cần, phun kết hợp"... Kết quả của mô hình đã được thể hiện thông qua sức sinh trưởng và khả năng ra hoa đậu trái của cây trồng.

(Ảnh: Nhandan)
Kỹ sư Nguyễn Thị Dòn, Trưởng trạm khuyến nông huyện Ðịnh Quán khẳng định nguyên nhân tăng năng suất là do số lần tưới tăng lên (theo phương pháp tưới tràn thì từ bảy đến 10 ngày một lần, còn tưới tiết kiệm chỉ bốn ngày), đất không bị khô kiệt, cây không bị sốc nước sẽ hạn chế hiện tượng rụng trái non, nứt trái; hơn nữa, nước thấm sâu giúp cây hấp thu dinh dưỡng tốt hơn.

Kỹ sư Nguyễn Lam Ðiền, Trưởng trạm khuyến nông Xuân Lộc cho rằng trong mùa khô, cây phát triển mạnh hơn nếu được cung cấp đủ nước và dinh dưỡng, thì khả năng quang hợp tốt và bộ rễ bám đất chặt hơn.

Thạc sĩ Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Trung tâm khuyến nông tỉnh nhận xét mô hình còn tiết kiệm công lao động, điện năng, nhiên liệu góp phần hạ giá thành sản phẩm.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nguyễn Văn Giàu khẳng định, không bón thêm hạt phân nào mà năng suất đã nâng lên rõ rệt, nếu kết hợp xử lý ra hoa trái vụ, giá bán sản phẩm càng cao. Anh cũng khuyến cáo trồng cỏ phủ đất, nuôi trùn và bón phân hữu cơ thì hiệu quả càng tăng lên đáng kể. Do đó, mô hình nhanh chóng được đón nhận.

Anh Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc cho biết, đang nhân rộng các mô hình ra địa bàn toàn huyện, trong đó riêng xã Suối Cao đã có sáu điểm.

Khi doanh nghiệp quan tâm đến ứng dụng tiến bộ kỹ thuật

Những năm gần đây, ngành công nghiệp chế biến của tỉnh Ðồng Nai phát triển mạnh, năng lực chế biến mỗi năm 150 nghìn tấn đường, 12 nghìn tấn cà-phê, 40 tấn nước uống đóng hộp, hơn 400 triệu bao thuốc lá, bảy nghìn tấn nhân điều, 120 nghìn tấn tinh bột mì, 120 nghìn tấn bột ngọt, một nghìn tấn bông xơ, hai triệu tấn thức ăn chăn nuôi... nên rất cần một khối lượng rất lớn nông sản hàng hóa đạt tiêu chuẩn chế biến công nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp chế biến là đơn vị đi đầu trong hoạt động việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật phục vụ nông nghiệp, chế biến sản phẩm.

Công ty Donafoods (chế biến xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Ðồng Nai) phối hợp Phân viện lâm nghiệp Nam Bộ tổ chức chọn giống và nghiên cứu quy trình kỹ thuật thâm canh cây điều. Tổ công tác của công ty đã lặn lội khắp những vườn điều trong tỉnh Ðồng Nai và một số tỉnh miền Ðông Nam Bộ tìm kiếm được 180 cây điều năng suất cao, cỡ hạt lớn, qua đó tuyển chọn được tám dòng điều đạt yêu cầu kỹ thuật và đã sử dụng phục vụ công tác nhân giống.

Công ty cũng đã tổ chức một ban khuyến nông hướng dẫn người dân trồng điều và thu hoạch đúng kỹ thuật, thời vụ; đồng thời xây dựng một vườn nhân giống, công suất đến 500 nghìn cây giống mỗi năm bảo đảm những vườn điều tái canh và trồng mới đều được sử dụng giống mới. Nhờ đó niên vụ vừa qua, năng suất điều bình quân trong toàn tỉnh Ðồng Nai đạt 1,7 tấn/ha, cao nhất nước.

Nhiều doanh nghiệp chế biến khác như Tổng Công ty công nghiệp thực phẩm, Công ty cổ phần mía đường La Ngà, Công ty cổ phần bông vải và kinh doanh tổng hợp, Công ty cao-su Ðồng Nai, Công ty cổ phần đường Biên Hòa, Công ty cổ phần chăn nuôi lợn Phú Sơn, Công ty cổ phần nông súc sản Ðồng Nai, Công ty phát triển công nghệ sinh học Donatechno... đều xây dựng trại khảo nghiệm, thực nghiệm giống, ban khuyến nông tổ chức sản xuất giống cung ứng cho vùng nguyên liệu cho riêng mình.

Vai trò "bà đỡ" của cơ quan quản lý khoa học và công nghệ

Những hoạt động khoa học kỹ thuật công nghệ bao giờ cũng là chức năng chính của các đơn vị khoa học kỹ thuật công nghệ tỉnh. Mấy năm gần đây nhiều đề tài dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp được nhiều ngành hữu quan trong tỉnh nghiên cứu ứng dụng. Qua thực tế, nó đã góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng kinh tế hàng hóa gắn với thị trường đem lại hiệu quả kinh tế cao, thật sự giúp người dân nhanh chóng đổi đời.

Có thể kể đến Dự án xây dựng mô hình thâm canh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi do Trung tâm nghiên cứu kỹ thuật nông nghiệp Hưng Lộc thực hiện tại ba xã An Viễng, Ðồi 61, Lộ 25 thuộc huyện Thống Nhất (nay là Trảng Bom) thực hiện trong hai năm 2002-2004 với ba mô hình luân xen canh ngô lai - bông lai - đậu cao sản, trồng sắn nuôi tằm ở nông hộ và thâm canh các giống sắn mới có năng suất bột cao. Ðây là ba xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, đất nông nghiệp vừa thiếu vừa xấu, sản xuất nông nghiệp phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên, chưa có một công trình thủy lợi nào.

Qua thời gian thực hiện dự án với các giống dâu Sa Nhị Luân (SA 109), bông lai VN15, bắp lai VN25-99, sắn KM94... kết quả năng suất dâu 45 tấn, khoai mì 25 tấn, bảo đảm thu nhập sống được. Do đó, nhiều nông hộ đã gắn bó lâu dài với nghề mới, đặc biệt là nghề trồng sắn đã vượt địa giới hành chính, vươn đến một số tỉnh khác, trong đó có nhiều hộ giàu lên từ cây sắn.

Ðề tài tuyển chọn giống bưởi có triển vọng và biện pháp thâm canh góp phần nâng cao hiệu quả vườn bưởi Biên Hòa thực hiện trong bốn năm (1999-2003) đã chọn được ba giống bưởi gồm thanh trà, đường da láng và đường lá cam năng suất cao, phẩm chất tốt.

Dự án xây dựng phòng nuôi cấy mô và ứng dụng công nghệ sinh học thực vật trong phát triển nông, lâm, ngư nghiệp thuộc Chương trình nông thôn miền núi cũng chọn được 36 cây bưởi đầu dòng, bảo đảm đủ khả năng cung ứng giống phục vụ mục tiêu phát triển 2000 ha bưởi đặc sản của tỉnh vào năm 2010. Hiện đơn vị được chuyển giao kỹ thuật vi ghép đang tổ chức sản xuất sáu nghìn cây bưởi sạch bệnh cung cấp cho canh tác trồng mới, góp phần đưa diện tích bưởi tăng nhanh trong một thời gian không dài từ vài trăm ha lên 1.450 ha. Riêng Công ty Donatechno đã sản xuất được nhiều giống sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, bòn bon, dừa thơm năng suất cao, chất lượng tốt phục vụ người trồng trọt.

Tiến sĩ Phạm Văn Sáng, Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ cho biết, chỉ tính giai đoạn 2001-2006, toàn tỉnh đã thực hiện 36 đề tài dự án nghiên cứu nông nghiệp nông thôn với kinh phí đầu tư gần 15 tỷ đồng, bao gồm 30 đề tài dự án cấp tỉnh và 6 đề tài cấp bộ thuộc Chương trình nông thôn, miền núi. Làm tốt vai trò "bà đỡ" hoạt động khoa học công nghệ ở địa phương. Thông qua kết quả của các đề tài khoa học tỉnh đã tuyển chọn và lai tạo được 19 giống cây trồng; lai tạo được nhiều giống lợn chất lượng cao tỷ lệ nạc lên đến 60%; sind hóa đàn bò, đưa được nhiều giống gia súc, gia cầm mới vào sản xuất, xây dựng được 49 mô hình trình diễn với các quy trình canh tác tiên tiến phù hợp điều kiện thổ nhưỡng nhiều vùng sinh thái khác nhau, ứng dụng công nghệ sinh học vào việc tăng năng suất, chất lượng nông sản, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và bảo vệ sức khỏe con người.

Bài và ảnh: Lâm Huệ Nữ

Theo Nhân dân
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video