Hội chứng cúm B và những điều cần lưu ý

Từ đầu năm đến nay, hội chứng sốt do virus diễn ra ở khắp các tỉnh thành phía Bắc. Theo số liệu báo cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, số mắc đã lên tới hàng chục nghìn trường hợp.

Hình ảnh virus cúm (Ảnh: TTO)
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cùng các trung tâm y tế dự phòng các tỉnh đã khẩn trương vào cuộc. Nhiều bệnh phẩm được xét nghiệm và cho kết quả dương tính với virus cúm B, một type virus cúm gây ra cảm cúm thông thường, nhưng sẽ là nguy hiểm đối với người có bệnh mạn tính, người già, trẻ em bị suy dinh dưỡng, phụ nữ mang thai nếu không có biện pháp phòng ngừa kịp thời.

Virus cúm B ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?

Theo PGS.TS. Phạm Ngọc Đính, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, virus cúm B là một type của virus cúm, có khả năng gây ra bệnh cúm ở người. Tuy nhiên, khác virus cúm A ở chỗ: virus cúm này ít biến đổi cấu trúc kháng nguyên, chỉ có thể gây ra các bệnh cúm tản phát, cúm thông thường, diễn biến nhẹ, có thể gây ra các vụ dịch do bản thân nó hoặc kết hợp với các virus gây viêm đường hô hấp khác.

Đây là một virus lành tính, bệnh lây qua đường hô hấp, thời gian ủ bệnh từ 1-3 ngày và diễn biến bệnh từ 3-5 ngày. Đối tượng nhiễm bệnh là tất cả mọi người, đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi, người già, người bị suy giảm miễn dịch và những người mắc bệnh mạn tính khác.

Khi xâm nhập vào cơ thể, virus cúm B gây ra các triệu chứng như sốt (có thể sốt cao, đột ngột), viêm long đường hô hấp trên, ho, sưng đau họng, hiếm khi xuất hiện các triệu chứng của viêm đường hô hấp dưới như viêm phổi, viêm phế quản. Nếu có những biểu hiện này có thể do biến chứng hoặc kết hợp với các virus khác gây nên.

Bệnh cúm B là bệnh tự khỏi, thường không cần điều trị. Sau khi mắc bệnh, thời gian miễn dịch ngắn, chỉ một vài năm, bệnh nhân có thể nhiễm bệnh trở lại. Bệnh do virus nên không có kháng sinh dự phòng. Tuy nhiên bệnh lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai nhi 3 tháng đầu (có thể gây ra dị dạng), trẻ em bị suy dinh dưỡng, người có bệnh mạn tính.

Điều kiện thời tiết hiện nay rất thuận lợi cho virus cúm B phát triển

Theo ghi nhận của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, từ đầu năm đến nay số người mắc Hội chứng sốt virus lên tới hàng chục nghìn trường hợp. Các địa phương có số bệnh nhân cao (trên 1.000 ca) là Vĩnh Phúc, Yên Bái, Bắc Giang, Lào Cai, Nam Định, Lạng Sơn, Hưng Yên, Quảng Ninh, trong đó riêng Yên Bái là địa phương có số người mắc cao nhất: 5.155 người (tính đến 23-3-2006). Tại 5 tỉnh có dịch, viện đã điều tra và lấy mẫu xét nghiệm của 98 trường hợp đang có sốt trong giai đoạn từ 3-5 ngày, cho kết quả 50/98 trường hợp dương tính với cúm týp B.

Các chuyên gia dịch tễ cho hay, bệnh cúm B lưu hành ở nước ta quanh năm, thời tiết đông xuân thường là yếu tố thuận lợi cho dịch bệnh phát triển, nhất là ở những nơi điều kiện vệ sinh kém, người dân còn thiếu nhận thức về phòng bệnh và chữa bệnh, chưa có thói quen tiếp cận với dịch vụ y tế như đồng bào dân tộc ít người vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa. Với tình hình hiện nay, dịch cúm týp B rất có thể sẽ tiếp tục bùng phát hơn nữa nếu người dân không chủ động cùng với ngành y tế phòng chống dịch.

Phòng bệnh để hạn chế dịch và ngăn chặn sự kết hợp giữa virus cúm B với virus cúm A H5N1

Từ khi cúm A H5N1 gây tử vong ở người, các chuyên gia y tế đã rất lo ngại sự xuất hiện đại dịch cúm này trên toàn thế giới nếu nó có thể lây từ người sang người, mà nguy cơ lớn nhất là sự kết hợp của cúm A H5N1 với chủng cúm thông thường khác (cúm B). Chính vì vậy có những biện pháp ngăn chặn sự bùng phát của cúm B hiện nay là điều rất cần thiết.

Để hạn chế dịch bệnh, cần có những biện pháp cách ly khi trẻ bị nhiễm bệnh, như không nên cho trẻ đến trường học, nhà trẻ khi đang bị cúm để tránh lây cho trẻ khác. Mọi người phải chú ý vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống. Trong vùng có dịch mọi người cần đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh cũng như khi đi đường. Nếu có những biến chứng nặng cần đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế.

Hiện nay đã có vắcxin phòng cúm B, nằm trong vắcxin tam liên là cúm A H3N2 - cúm A H1N1 - cúm B. Vắcxin này hằng năm đều được Tổ chức Y tế Thế giới cập nhật và khuyến nghị, nếu có điều kiện nên được tiêm nhắc hằng năm vì thời gian miễn dịch chỉ từ 6 tháng đến 2 năm. Thời gian tiêm phòng tốt nhất là tháng 8 hoặc 9.

Theo Sức khỏe & đời sống, TTO
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video