Không uống bất kỳ loại nước có cồn nào nhưng Mark vẫn thấy mệt mỏi, nói lắp, đi loạng choạng và người có mùi rượu.
Khi Mark Mongiardo đi dạy được 2 năm, có người nhận xét anh có mùi rượu. Mark cảm thấy ngạc nhiên vì anh không uống bất kỳ loại nước có cồn nào. Trong những năm qua, giáo viên và các huấn luyện viên bóng rổ thường ngửi thấy mùi rượu từ anh.
“Tôi nghĩ có điều gì đó không ổn với mình. Tôi không biết chắc điều gì đã xảy ra. Lúc nào tôi cũng chỉ nghĩ mình mệt mỏi”, Mark, 40 tuổi, sống ở bang Florida (Mỹ), tâm sự.
Mark thường làm việc hơn 12 giờ một ngày và cho rằng điều đó khiến anh kiệt sức. Sau đó, anh bị bắt hai lần trong vòng sáu tháng vì lái xe trong tình trạng say xỉn mặc dù anh ta không hề uống rượu.
Khi tìm hiểu thông tin trên mạng, Mark biết tới hội chứng tự sinh rượu của cơ thể khi một người không uống vẫn say.
Mark Mongiardo cùng vợ và con. (Ảnh: Today).
Kiệt sức và người có mùi rượu
Năm 2005, Mark bắt đầu sự nghiệp giảng dạy và huấn luyện. Anh liên tục bị gọi vào văn phòng hiệu trưởng vì có người phản ánh anh có mùi rượu. Tình trạng ngày càng nghiêm trọng hơn trong giai đoạn 2012 tới 2016.
“Đó là những năm khó khăn trong đời tôi”, Mark nhớ lại.
Cuối cùng anh phải thay đổi công việc và trở thành một giám đốc thể thao. Ba tuần sau đó, cảnh sát đã kiểm tra nồng độ cồn của Mark khi lái xe. Trong vòng 6 tháng, anh đối mặt với các án phạt do điều khiển phương tiện khi say rượu.
Thậm chí, vợ nghi ngờ anh uống trộm rượu. “Tôi có tất cả các triệu chứng như nói lắp, đi loạng choạng. Vì vậy, trong nhiều năm, cô ấy nghĩ rằng tôi đã say khướt”, Mark kể.
Năm 2019, Mark tự tìm kiếm trên mạng và biết về hội chứng cơ thể tự sinh rượu. Lúc này, anh phải bán căn nhà ở New Jersey và chuyển đến sống cùng gia đình vợ ở Long Island, New York.
Anh cố gắng tìm kiếm công việc nhưng các cáo buộc trước đây khiến anh không thể trở lại giảng dạy. Ngay cả khi xin làm trong siêu thị, lý lịch bất ổn đã cản bước của Mark.
Theo Today, Mark tới gặp một bác sĩ ở Staten Island, người hiểu rõ hội chứng cơ thể tự sinh rượu. Khi anh nhịn ăn, nồng độ cồn trong máu bằng 0, anh hoàn toàn tỉnh táo. Khi anh dùng đồ uống có đường, chỉ số trên tăng lên đều đặn.
Hội chứng tự sinh rượu
Hội chứng tự sinh rượu xảy ra khi hệ tiêu hóa chuyển đổi thức ăn thành rượu. Tiến sĩ Rohit Loomba, Đại học California, giải thích: “Đây là một hội chứng hiếm gặp. Một số vi khuẩn, đặc biệt trong đường tiêu hóa, có thể chuyển hóa thức ăn thành ethanol đi qua biểu mô ruột vào trong máu”.
Theo đó, hệ vi sinh vật đường ruột lên men carbohydrate và đường thành rượu. Một lượng nhỏ ethanol trong máu gây bệnh cho gan và các cơ quan khác. Một số bệnh nhân tình cờ phát hiện mắc hội chứng sau khi nhận chẩn đoán bệnh gan.
Tiến sĩ Loomba cho biết trong một số trường hợp, E.coli có trong hệ vi sinh vật đường ruột góp phần khiến một người phát triển hội chứng tự sinh rượu. Các bác sĩ thường sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị tình trạng này. Chế độ ăn ít carb và ít đường có thể ngăn cơ thể sản xuất rượu.
Theo Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ, các triệu chứng có thể bao gồm mất thăng bằng, nôn mửa, ợ hơi, mệt mỏi, chóng mặt, say xỉn.
Sau khi được chẩn đoán, Mark bắt đầu áp dụng một chế độ ăn ít đường và tinh bột.
“Tôi sinh ra trong một gia đình người Mỹ gốc Italy. Tôi đã không ăn mì ống, pizza hay bất cứ thứ gì tương tự kể từ khi được chẩn đoán vào tháng 5/2019. Ban đầu mọi chuyện rất khó khăn”, Mark kể.
Hiện Mark được cấp phép làm đại lý bất động sản ở New York (Mỹ). Anh thường xuyên theo dõi nồng độ cồn trong máu vì lo lắng khi lái xe chở con. Anh hy vọng câu chuyện của mình sẽ giúp ích cho những người mắc phải hội chứng tự sinh rượu.