Hội chứng thiên tài

Các nhà khoa học Nhật Bản đã khám phá ra nguyên nhân của hội chứng Marfan, căn bệnh di truyền hãn hữu, chủ yếu gây thương tổn cho những người rất tài năng vì có trình độ trí tuệ siêu việt. 

Nhà soạn nhạc Beethoven

Sự dư thừa chất Adrenalin vốn tiêu biểu đối với hội chứng này đã làm cho con người luôn ở trạng thái hưng phấn có khả năng sản sinh những năng khiếu xuất chúng.

Căn bệnh này được gọi là Hội chứng thiên tài. Người ta cho rằng Tổng thống Hoa Kỳ Avraam Lincoln và nhà văn Đan Mạch Christian Andersen, Tổng thống Pháp Charle de Gaulle và nhà văn Nga Xô viết Kornei Chukovski đã mắc bệnh này.

Các nhà sinh học và các nhà di truyền học đều nhất trí ở một điểm là năng lực sáng tạo của con người thường gắn với vẻ ngoài của anh ta và vẻ ngoài này lại trùng khớp với những dấu hiệu của hội chứng Marfan: Dáng người cao và gày, ngực lép, đôi tay to lớn một cách không cân đối với những ngón tay dài hình con nhện.

Một người đương thời đã vẽ lên bức chân dung có sức biểu cảm của “Người kể chuyện vĩ đại” Andersen: “Vào giây phút đầu tiên, điều khiến tôi ngạc nhiên là vẻ xấu xí kỳ dị một cách quá đáng của khuôn mặt ông, đôi bàn tay to bè và hai cánh tay dài quá khổ đang vung vẩy…

Ông cao lênh khênh, gày guộc và có tác phong cùng những động tác hết sức khác thường. Chiếc mũi của ông mang cái được gọi là kiểu dáng La Mã, nhưng cũng quá lớn và dường như nhô hẳn ra phía trước.

Thế nhưng vầng trán cao cao, lộ thiên của ông rất đẹp và cặp môi có những đường nét vô cùng tinh tế”.

Đồng thời, theo nhận xét của các nhà di truyền học, một đặc điểm nổi bật ở những người này là khả năng lao động phi thường, là sự say mê công việc của mình một cách điên cuồng, là khát vọng hướng tới sự hoàn thiện tuyệt đối.

Thomas Edison có lý khi nói: “Thiên tài - đó là 99% lao động đến kiệt sức và 1% là trí tưởng tượng”.

Những con người này có tính lập dị mà thiên hạ từ trước đến nay thường chiếu cố với nụ cười độ lượng. Chẳng hạn Bach từng khẳng định rằng ông không thể viết được một dòng nào nếu trước đó không thêu thùa.

Hoặc Subert đã cam đoan rằng ông chỉ có thể “sáng tác thứ âm nhạc thực thụ” vào ban đêm khi ngồi trên nóc ngôi nhà mà ông đang sống. Hoặc Rimski Korsakov thậm chí không định cầm bút nếu như trước mắt không hiện ra những con tàu.

Chính vì thế, để gây cảm hứng, ông đã làm rất nhiều chiếc tàu thủy nhỏ và thả chúng vào trong chiếc chậu bằng đồng. 

Nhà văn Andersen

Những tính lập dị như vậy đầy rẫy trong tiểu sử của tất cả các vĩ nhân, những người bằng sự sáng tạo của mình – bất kể trong khoa học, nghệ thuật hay trong văn học - đã làm thay đổi quan niệm của mọi người về thế giới, đã tạo nên cái quan trọng cần thiết mà thiếu nó thì lịch sử nhân loại ắt dẫm chân tại chỗ.

Những người này được gọi là thiên tài. Đôi khi họ cũng tự gọi mình như vậy. Nhà thơ Nga nửa đầu thế kỷ XX hãnh diện nói: “Tôi, Igor Severjanin, một thiên tài”.

“Về mặt đời sống tinh thần hết sức đa diện, tôi là một thiên tài vĩ đại nhất của thời đại chúng ta, một thiên tài hiện đại thực thụ” – danh họa Tây Ban Nha Dali tuyên bố trong phần mở đầu cuốn “Nhật ký một thiên tài”.

Những lời tuyên bố như vậy đôi khi khiến ta cảm thấy chướng tai gai mắt, nhưng hãy nhớ lại nhận xét của Puskin: “Thiên tài là người bạn của những nghịch lý”.

Có một điều đáng chú ý: Chính bản thân các nghệ sĩ thiên tài lại coi những điều lập dị của mình là chuyện bình thường. Danh họa Renoir đã nói về Van Gogh: “Muốn làm hội họa thì cần phải hơi điên một chút. Nhưng nếu Van Gogh là một người điên thì tôi cũng thế. Còn Cézame – thì cứ thử khoác lên người ông ấy một chiếc áo bó mà xem!”.

Bệnh lịch của những con bệnh vĩ đại cho thấy rằng nhiều người trong số đó đã mắc chứng bệnh loạn tinh thần thao cuồng- trầm uất mà đặc điểm tiêu biểu là tính tình hay gây sự, những biến động đột ngột về khí sắc vốn ít gắn với ngoại cảnh, nhưng trong tư duy không có những rối loạn đặc biệt.

Trong thời gian hưng phấn, những con người đặc biệt đó làm chúng ta phải kinh ngạc bởi năng lực, bởi sự hoạt động không mệt mỏi, sự dồi dào của những ý tưởng và khả năng làm việc phi thường.

Phải chăng những kiệt tác đã ra đời trong thời gian đó? Tuy nhiên trạng thái ấy hoặc là dần dần tiêu tan đến mức bình thường, hoặc là chuyển sang trạng thái trầm uất thường dẫn tới sự tự sát. Hoặc dẫn tới việc thiêu hủy những tác phẩm của chính mình như trường hợp Gogol đã đốt tập hai “Những linh hồn chết”.

“Hộp phiếu” các thiên tài hầu như đã được nhất trí thừa nhận ở châu Âu và Bắc Mỹ, gồm cả thảy 400-500 tên tuổi trong suốt thời gian tồn tại của nền văn minh chúng ta.

Tuy vậy, cho dù các nhà di truyền học, y học, các nhà tâm lý học có cố gắng đến mấy để phân chia những con người xuất chúng theo khu vực thì họ cũng không thể giải quyết được điều chủ yếu: bí quyết của sự sáng tạo và điều bí ẩn của con người sẽ mãi mãi không bao giờ được làm sáng tỏ. Và có lẽ điều đó như vậy thì tốt hơn.

Lê Sơn (Theo “Ekho planety”)

Theo Tiền Phong
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video