Hồi sinh loài bò rừng nặng 1.500kg đã tuyệt chủng 400 năm

Các nhà khoa học đang cố gắng để hồi sinh loài bò rừng châu Âu (Auroch), một loại động vật đã từng bị tuyệt chủng, và đưa chúng trở lại ở thiên nhiên.

Theo MNN, loài bò rừng châu Âu từng sống trên những khu vực rộng lớn ở châu Âu, châu Á và Bắc Phi. Chúng là một trong những loài thường được mô tả trong các bức tranh hang động thời đồ đá cũ ở châu Âu và Lưỡng Hà, với cân nặng khoảng 1.500kg và cặp sừng đặc trưng với chiều dài hơn nửa mét.

Số lượng loài bò này đã suy giảm mạnh vào thời Trung Cổ do bị săn bắn một cách thái quá và và mất môi trường sống vì sự mở rộng của đất nông nghiệp. Cá thể bò rừng cái cuối cùng chết trong một khu rừng ở Ba Lan vào năm 1627.


Bò rừng Aurochs được mô tả trong một bức tranh hang động ở Lascaux, Pháp. (Ảnh: Creative Commons).

Các nhà khoa học hy vọng hồi sinh loài bò rừng này dựa trên mã di truyền được lưu giữ trong các loại gia súc. Dự án này dẫn đầu bởi tổ chức Hà Lan Stichting Taurus, và là một phần của một chương trình "tái thiên nhiên hóa" với mục đích khôi phục những vùng hoang dã rộng lớn của châu Âu trở lại tình trạng trước khi có sự tác động của con người.

"Loài bò rừng châu Âu từng là một phần của một hệ sinh thái", Henri Kerkdijk, quản lý của dự án, trả lời phỏng vấn tạp chí Time vào năm 2010. "Nếu bạn muốn tái tạo các hệ thực vật của hệ sinh thái, bạn cũng phải tái tạo cả hệ động vật nữa".

Không giống như các nỗ lực hồi sinh động vật đã bị tuyệt chủng khác, dự án này không sử dụng kỹ thuật di truyền trong một phòng thí nghiệm. Thay vào đó, các nhà nghiên cứu đang sử dụng lai tạo, nhân giống chọn lọc (một quá trình được gọi là "tái tạo giống") để tạo ra một quần thể động vật mới gần giống nhất với loài bò rừng châu Âu.

Bộ gene hoàn chỉnh lấy từ một bộ xương 6.700 năm tuổi của một cá thể bò rừng châu Âu được phát hiện trong một hang động Anh vào năm 2014 được sử dụng làm mẫu đối chứng.


Một phiên bản tái hiện bò rừng Auroch dựa trên bộ xương tìm thấy tại Đức. Lưu ý các sọc trắng đặc trưng dọc theo xương sống là một đặc trưng của loài này. (Ảnh: Jaap Rouwenhorst/Creative Commons).

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Washington Post, Ronald Goderie, một nhà sinh thái học và là người chỉ đạo dự án Taurus, nói có thể sẽ cần thêm 10 năm nữa để nhóm này thành công trong việc tạo ra một loài bò rừng châu Âu hiện đại.

"Thế hệ thứ hai được quan sát là đã có màu sắc khá giống với loài bò rừng châu Âu", ông nói. "Những con bò đực có màu đen và có một sọc lươn [dọc theo cột sống]. Chúng đã có chân dài hơn. Kích thước và hình dạng của cặp sừng thì có phần phức tạp hơn. Tôi có thể nói rằng với một số trường hợp, chúng ta có thể thấy một cá thể có đến 75 phần trăm những đặc điểm cần thiết".

Đầu năm nay, một dự án có tên gọi là Quagga thông báo rằng sau 30 năm tiến hành lai có chọn lọc, họ đã tạo ra thành công một phiên bản sống của loài ngựa vằn quagga đã từng tuyệt chủng.

"Dự án đang chọn lọc đến thế hệ thứ 4 và thứ 5, và các thế hệ sau đã bắt đầu trông giống với loài ngựa vằn quaggas", Bryan Nelson viết.

Nếu dự án thành công trong những năm tới, Stichting Taurus có kế hoạch làm việc với tổ chức phi lợi nhuận Rewilding Europe để thả những đàn bò rừng châu Âu vào các khu vực bảo tồn.


Những con bò từ dự án Taurus mang màu sắc của bò rừng auroch tuyệt chủng. (Ảnh: Dự án Taurus).

Đến năm 2022, Rewilding Europe hy vọng sẽ chuyển đổi khoảng 2,4 triệu hecta đất trên 10 khu vực trở lại trạng thái tự nhiên. Trong một cuộc phỏng vấn với Modern Famer, Goderie nói rằng vào lúc đó, nhóm của ông có ý định sẽ giữ loài bò rừng châu Âu trong tình trạng hoang dã.

"Bò rừng châu Âu sẽ chỉ được dùng để sinh sống trong các hệ sinh thái hoang dã ở châu Âu", ông nói. "Sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu chúng ta lại thuần hóa chúng thêm một lần nữa".

Cập nhật: 16/04/2016 Theo VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video