Theo báo động của Liên đoàn thế giới về bảo tồn thiên nhiên (UICN) công bố ngày 12-9, hiện có gần 200 loài mới được bổ sung vào danh sách đỏ có nguy cơ tuyệt chủng. Trong đó, con người được xem là nguyên nhân trực tiếp hay gián tiếp đẩy các loài đến bờ vực này.
Trong danh sách đỏ của UICN, hiện có hơn 16.300 loài, từ khỉ đột châu Phi đến san hô vùng Galapagos, đang có nguy cơ tuyệt chủng. Theo ông Craig Hilton-Tailor, người phụ trách thực hiện danh sách đỏ trên, trong số 41.415 loài động thực vật được nghiên cứu, có 16.306 loài đang bị đe dọa nghiêm trọng. Và bản danh sách đỏ năm nay có nhiều hơn năm ngoái hơn 200 loài.
Khỉ đột núi ở CHDC Congo, một loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng (Ảnh: TTO) |
Ba loài được bổ sung vào danh sách đỏ năm 2007 là loài san hô ở Galapagos đang bị hiện tượng khí hậu nóng dần lên và hiện tượng El Nino đe dọa nghiêm trọng. Trong danh sách này, có 1/4 động vật có vú, 1/8 loài chim, 1/3 loài lưỡng cư và 70% loài thực vật bị đe dọa tuyệt chủng. Ngoài ra, có 785 loài đã xóa sổ và 65 loài chỉ còn tồn tại trong môi trường nuôi nhốt.
Đối với động vật có vú, sự suy giảm cá thể của các loài khỉ lớn là đáng quan ngại nhất, trong đó, loài đười ươi Sumatra (Pongo abelii) được xếp vào hàng "nguy kịch" và đười ươi Borneo (Pongo pygmaeus) thuộc hàng nguy cơ tuyệt chủng. Cả hai đều là nạn nhân của nạn phá rừng. Tương tự, kên kên đầu đỏ châu Á (Sarcogyps calvus) và kên kên Ai Cập (Neophron percnopterus) cũng đang lâm nguy do thường xuyên trúng độc diclofenac, một loại thuốc dùng cho gia súc ...
UICN được thành lập vào năm 1948 với các thành viên gồm 81 quốc gia, 113 tổ chức chính phủ, hơn 850 tổ chức phi chính phủ và gần 10.000 nhà khoa học, chuyên gia của 181 quốc gia trên thế giới. Mỗi năm, UICN lập danh sách đỏ các loài tuyệt chủng.
ĐỨC TRƯỜNG