Cá vằn, thường được dùng trong các nghiên cứu về gene, có thể mở ra liệu pháp tái tạo võng mạc bị hư và trả lại ánh sáng cho người khiếm thị.
>>> Cấy tế bào để giúp người khiếm thị phục hồi thị lực?
Theo báo cáo trên chuyên san PLOS ONE, các chuyên gia của Đại học Alberta (Canada) cho hay có thể dùng tế bào gốc của cá vằn để phục hồi một cách chọn lọc các tế bào thụ quang bị tổn hại.
Tế bào que và nón là những tế bào thụ quang quan trọng nhất, với tế bào que cung cấp thị lực vào ban đêm, còn tế bào nón dùng cho ban ngày. Lâu nay, hầu như mọi trường hợp tái tạo tế bào thụ quang thành công đều chỉ giới hạn ở tế bào que chứ không thực hiện được ở tế bào nón. “Đây là lần đầu tiên một mô hình nghiên cứu động vật cho thấy tế bào gốc có thể chữa trị tế bào nón ở võng mạc”, theo nhà sinh học Ted Allison.
Ông cho hay đối với những người bị thương tổn võng mạc, việc phục hồi tế bào hình nón là điều quan trọng nhất, vì nó có thể mang lại khả năng thị lực vào ban ngày. Sau thành công này, các chuyên gia sẽ nỗ lực tìm ra gene cụ thể trong chuỗi gene của cá vằn, có công dụng kích hoạt sự hồi phục của tế bào hình nón.