Indonesia giấu thông tin dịch cúm gia cầm từ hai năm nay

Indonesia đã bị cúm gia cầm từ hai năm trước ở Java, nhưng chính phủ nước này giấu nhẹm thông tin về cơn dịch, vì vậy dịch mới có khả năng lan tràn khắp thế giới như hiện nay - Washington Post ngày 20-10 dẫn lời ông Chairul Nidom, nhà vi sinh học đầu tiên phát hiện dịch cúm gà ở Indonesia, cho biết.

Khi virus cúm gia cầm xuất hiện lần đầu tiên ở Java năm 2003, Chính phủ Indonesia không biết đó là cúm gia cầm hay một loại virus nào khác. Ông Nidom, lúc đó là giáo sư tại Trung tâm bệnh nhiệt đới thuộc ĐH Airlangga, được mời nghiên cứu và phát hiện virus đó là virus gây bệnh cúm gia cầm có mã gen giống virus cúm gia cầm Trung Quốc bảy năm trước đó.

Tuy nhiên, những công ty hàng đầu trong ngành gia cầm ở Indonesia đã vận động chính phủ giữ kín thông tin này. Cuối tháng 1-2004, ông Nidom "liều mạng" thông tin cho báo chí về cơn dịch, lúc đó Bộ Nông nghiệp mới xác nhận có dịch cúm, nhưng khi đó dịch đã vượt khỏi ranh giới đảo Java sang Bali và Sumatra.

Mùa thu năm ngoái, sau khi VN và Thái Lan xác nhận có dịch cúm gia cầm, ông Nidom tổ chức một hội thảo qui tụ các nhà nghiên cứu dịch cúm gia cầm hàng đầu của Mỹ, Nhật, Hong Kong và Trung Quốc sang tham gia. Bộ Nông nghiệp Indonesia ra lệnh cấm các thành viên là người nước ngoài và báo chí tham gia hội thảo.

Bà Tri Satya Putri Naipospos, cựu giám đốc Cơ quan thú y quốc gia Indonesia, cũng có cùng ý kiến như ông Nidom.

Khi được hỏi về vấn đề này, Bộ trưởng Nông nghiệp Indonesia Anton Apriyantono nói: "Vấn đề là chúng tôi không muốn công bố chuyện này quá nhiều vì nó sẽ ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi gia cầm của chúng tôi. Giá gia cầm sẽ bị rớt thảm hại".

Cùng ngày 20-10, Đài Loan đã nhanh chóng đề nghị gặp Hãng Roche để xin quyền sản xuất Tamiflu sau khi hãng này tuyên bố sẽ cân nhắc để cho phép các công ty đối thủ và các chính phủ cùng sản xuất thuốc này theo giấy phép dành cho trường hợp có bệnh dịch khẩn cấp.

Trong lúc này, Hãng dược Cipla của Ấn Độ - hãng dược đầu tiên sản xuất thuốc nhái điều trị AIDS giá rẻ - cho biết đã sẵn sàng làm tương tự với thuốc Tamiflu.

Về diễn biến cúm gia cầm, Thái Lan xác nhận thêm một trường hợp tử vong mới, nâng số người chết ở nước này lên 13. Indonesia công bố thêm hai trường hợp tình nghi nhiễm cúm gia cầm.

Đài Loan vừa chặn lại một container chứa 1.037 con chim cảnh bị nhiễm H5N1 trên một chiếc tàu đến từ Trung Quốc đại lục và cho tiêu hủy ngay số gia cầm này.

Hôm 19-10, WHO cho biết Trung Quốc đã tiêu hủy 91.000 con gia cầm quanh một trang trại ở miền bắc nước này nhằm chặn đứng một ổ dịch mới bộc phát.

Tại châu Âu, kết quả xét nghiệm của phòng thí nghiệm chuyên gia quốc tế ở Anh khẳng định virus H5N1 đã có mặt tại lưu vực Danube phía đông Romania. Ở Nga, Bộ Nông nghiệp cho biết virus H5N1 đã thâm nhập tỉnh Tula, cách Matxcơva 350km về phía nam. Tại Brussels (Bỉ), một quan chức Liên minh châu Âu cho biết cúm gia cầm có thể đã lan tới Macedonia.                          

TH.TÙNG - NG. DANH (Theo AFP, CNN, BKP, Libération)

Theo Tuổi Trẻ Online
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video