ISP: Video phân giải cao sẽ "bóp cổ" Internet

Dường như mỗi ngày , ít nhất một lần bạn đụng phải một cửa sổ pop-up quảng cáo cho dịch vụ tải video trực tuyến nào đó. Từ series phim truyền hình "Desperate Housewives" cho đến những cảnh quay mát mẻ, tất tật đều có. 

Nguồn: AP

Bạn hào hứng với điều đó ư? Nhưng liệu Internet có giống bạn không?

ISP kêu trời

Câu trả lời từ các nhà cung cấp dịch vụ Internet, điện thoại và cáp là "Không". Những clip có dung lượng nhỏ thì không sao, nhưng những chương trình đạt chất lượng TV và nhất là phân giải cao hoàn toàn có thể làm Internet chết sặc.

Hiện nay, hầu hết hoạt động trên Internet của chúng ta đều diễn ra chóng vánh, chớp nhoáng, check email ở chỗ này, lướt qua một trang web ở chỗ kia. Nhưng thử tưởng tượng, nếu chúng ta cũng xem video phát sóng qua web giống như khi xem TV vậy - ít nhất vài tiếng/lần, Internet sẽ phải gánh chịu một tải trọng khủng khiếp.

Tất nhiên, cơ sở hạ tầng ban đầu của Internet không tài nào chịu nổi tải trọng này, và chi phí để nâng cấp dung tải cho mạng, ngăn chặn hiện tượng chết sặc kia xảy ra là vô cùng, vô cùng tốn kém.

Để trang trải bớt phần nào chi phí, các ISP muốn thu thêm "phụ phí" đối với các hãng cung cấp nội dung. Nếu không trả số phí này, không có gì đảm bảo là các file video dung lượng lớn sẽ được gửi đến nơi cần đến.

Rất nhiều người phản ứng dữ dội với kế hoạch này, cho rằng nó sẽ bóp nghẹt sáng tạo và "không công bằng". Họ muốn luật pháp bảo đảm cho một thế giới Internet "trung lập", nhưng dường như triển vọng rất mong manh.

Then chốt của vấn đề nằm ở câu hỏi: Chi phí thực sự mà các ISP phải gánh để cung cấp vài giờ video clip trên mạng của họ mỗi ngày là bao nhiêu?

Hiển nhiên, các ISP giấu bài rất kỹ, nhưng vẫn có cách để chúng ta đoán được bài tẩy của họ.

Thật hư câu chuyện

Hãy bắt đầu từ các số liệu. Theo hãng nghiên cứu TeleGeography, một đường truyền liên tục, 1 Mb/giây khi "chui" vào mạng Internet xương sống tại trung tâm Atlanta sẽ lấy đi của các ISP từ 10 - 20 USD/tháng. Việc của các ISP là "vận chuyển" những dữ liệu "chảy" ra từ đường truyền kia đến với người dùng.

Một Mb/giây nghe không nhiều lắm, nhưng các ISP luôn nhân rộng băng thông khi chuyển tới người dùng. Theo ước tính, các ISP thường bán một lượng băng thông rộng gấp 30 lần để người dùng đầu cuối có thể kết nối đồng thời vào mạng Internet.

Như vậy, có thể hiểu băng thông rộng cũng gần giống như dịch vụ điện thoại cổ điển. Số đường điện thoại từ nhà đến tổng đài địa phương luôn nhiều hơn số đường dây từ tổng đài đi ra. Nếu như tất cả mọi người đều nhấc máy một lúc, sẽ có một số cuộc gọi không thực hiện được vì không có đủ đường ra. Nhưng điều này hiếm khi xảy ra, nên hệ thống vẫn hoạt động bình thường.

Tan tành mô hình kinh doanh

Đối với mạng băng thông rộng, một kết nối 1 Mb/giây đủ để phục vụ 40 tài khoản DSL, mỗi cái đạt tốc độ tối đa 768 kb/giây, điển hình cho một kết nối DSL sơ cấp. Chi phí để cung cấp dữ liệu tới mỗi DSL này chỉ khoảng 25 cent - 50 cent/người dùng/tháng.

Nếu số tài khoản DSL này chỉ sử dụng Internet để lướt Web, đọc mail hay thỉnh thoảng tải file thì không có chuyện gì xảy ra. Nhưng nếu như cả 40 thuê bao cùng cố tải bản tin thời sự buổi tối về máy một lúc, chắc chắn sẽ có vấn đề.

Nếu kết nối có tốc độ 2Gb/giây, các ISP mất khoảng 1 USD. Đây là con số khả nhỏ so với mức cước thuê bao 25-47 USD/tháng mà họ đang tính cho DSL, song dĩ nhiên, họ còn phải thanh toán các khoản bán hàng, hỗ trợ kỹ thuật, bảo hành và hàng loạt chi phí không tên khác nữa.

Nếu 40 người dùng bắt đầu tải 5 bộ phim chất lượng TV mỗi tháng, trừ chi phí bảo dưỡng đường DSL, các ISP sẽ mất tới 4,5 USD/tháng. Dù sao cũng chưa đủ cao để phá vỡ mô hình kinh doanh hiện tại của họ.

Nhưng nếu như người dùng bắt đầu xem Internet TV với thời lượng 8 tiếng mỗi ngày, chi phí của ISP bỏ ra sẽ vọt lên tới 112 USD/tháng.

Để đối phó với tình trạng "vỡ chợ" này, BellSouth dự định sẽ "gắn mũ" cho các dạng dữ liệu luân chuyển trên mạng: loại nào được miễn phí và loại nào sẽ bị thu thêm phụ phí. Một số lựa chọn khác là tính phụ phí đối với nhà cung cấp dịch vụ, gọi là tiền "bảo đảm" cho nội dung của họ chắc chắn được chuyển đi.

Trong khi ấy, những người phản đối tin rằng cho phép các ISP tính phụ phí cũng tiềm ẩn nguy cơ. "Ai biết được họ có dùng phí ấy để mở rộng đường truyền hay không?", một quan chức của Google cho biết.

Thiên Ý

Theo AP, VietNamNet
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video