Ít ai biết trước Pharaoh Tut nổi tiếng nhất Ai Cập đã có hai nữ Pharaoh cùng trị vì một lúc

Nhiều nghiên cứu của các nhà khảo cổ đã chứng minh rằng trước khi Tutankhamun – vua Tut, vị pharaoh nổi tiếng nhất Ai Cập lên ngôi, đã có một "nữ vương bí ẩn" cai trị đất nước.

Tên lúc tại vị của "nữ vương bí ẩn" là Neferneferuaten Ankhkheperure. Thế nhưng, danh tính thực sự của bà vẫn là điều gây nhiều tranh cãi trong giới khảo cổ. Một trong những giả thuyết gây tranh cãi hiện nay cho rằng vị nữ vương bí ẩn kia không ai khác chính là hai chị gái của vua Tut.

Vâng, không phải là một, mà là hai chị gái. Một vương vị, nhưng hai người cầm quyền.


Bức hình được cho là nữ hoàng Neferneferuaten Ankhkheperure.

Nhà nghiên cứu Valérie Angenot, giáo sư lịch sử và chuyên gia về ký hiệu học tại ĐH Quebec ở Montreal (Canada) chính là người đã đưa ra giả thuyết này. Nó đi ngược với những giả thuyết lúc trước cho rằng "nữ vương bí ẩn" kia không ai khác chính là Nefertiti, vợ chính thức của vua Akhenaten (cha của vua Tut) và là mẹ kế của vua Tut.

Nghiên cứu được trình bày trong cuộc họp thường niên của Trung tâm nghiên cứu Mỹ ở Ai Cập, được tổ chức từ ngày 12 đến 14 tháng 4 tại Alexandria, Virginia.

Phả hệ phức tạp của gia đình vua Tut và kế hoạch truyền vị triệt để của tiên hoàng Akhenaten

Vua Tut (1341-1323 TCN) trở thành mối quan tâm lớn của công chúng kể từ khi Howard Carter, một nhà khảo cổ người Anh khai quật được mộ ngài vào năm 1922. Thế nhưng sơ đồ phả hệ của vị pharaoh này thực sự phức tạp, bắt đầu từ cha ngài, pharaoh Akhenaten.


Pharaoh Akhenaten.

Trong suốt gần 17 năm tại vị (1353-1335 TCN) của Akhenaten, dịch hạch hoành hành Ai Cập. Có ba công chúa đã qua đời trong thời gian đó, có thể là do dịch bệnh. "Tôi tin rằng chính sự mất mát này đã khiến ngài lập một kế hoạch chuẩn bị cho việc truyền ngôi", Angenot phân tích. "Ngài đã cố gắng sắp đặt để các con có thể nối ngôi bất cứ khi nào có một người qua đời".

Mọi chuyện bắt đầu rắc rối từ đây.

Akhenaten kết hôn với con gái lớn của mình, Meritaten. Sau đó, ngài sắp đặt cho con gái lớn thứ hai, Ankhesenpaaten, kết hôn với Tut. Như vậy, khi Tut trở thành hoàng đế, Ankhesenpaaten sẽ trở thành hoàng hậu. Bằng cách này, dòng dõi hoàng gia sẽ được bảo tồn một cách triệt để nhất.

"Thế nhưng, còn một công chúa nhỏ khác: Neferneferuaten Tasherit" - Angenot nói. "Khi tất cả anh chị khác của nàng qua đời, nàng chỉ mới 7 tuổi. Nàng không thể trở thành hoàng hậu vì chưa thể mang thai, không thể duy trì dòng máu hoàng tộc. Và tôi nghĩ rằng đây là khi tiên hoàng quyết định biến nàng thành vua thay vì hoàng hậu. Ngài sẽ truyền ngôi pharaoh cho Neferneferuaten". Các con ngài đã chết quá nhiều, trong khi Tut còn quá nhỏ để nối ngôi.

Akhenaten qua đời và truyền ngôi pharaoh cho Neferneferuaten khi nàng 12 tuổi. Vợ, đồng thời là con gái vua Akhenaten và chị gái của Neferneferuaten trở hoàng hậu của chính em gái mình.

Thế nhưng, Meritaten dường như không tại vị Hoàng hậu quá lâu. Angenot cho biết: "Có vẻ như chỉ sau một năm, Meritaten cũng đã đăng quang thành pharaoh. Ai Cập lúc này thực chất được cai trị bởi hai nữ pharaoh thay vì một pharaoh và một hoàng hậu theo quan điểm truyền thống".

Nữ hoàng bí ẩn

Ít nhất từ 50 năm trước, các nhà khoa học đã biết đến một nữ vương cai trị Ai Cập ngay sau vua Akhenaten. Họ đã nghiên cứu rất kỹ lăng mộ của Tut và phát hiện rằng nó ban đầu được xây dựng cho phụ nữ, chẳng hạn trên các đồ dùng tang lễ có dấu vết khắc tên của nữ giới.

Nhiều nhà Ai Cập học cho rằng người phụ nữ bí ẩn này là Nefertiti. Để lên ngôi pharaoh, bà đã phải đổi tên hoàn toàn. Cũng có người cho rằng nữ pharaoh đó là Meritaten, vị công chúa từng kết hôn với cha mình. Còn Angenot thì lại nhận thấy nữ vương bí ẩn chính là công chúa út. Hợp lý hơn hai giả thuyết còn lại vì tên thân sinh của công chúa trùng với tên lúc tại vị của vị nữ hoàng bí ẩn: Neferneferuaten Tasherit và Neferneferuaten Ankhkheperure.

Đó không phải là suy đoán suông. Tên của một hoàng đế Ai Cập thường bao gồm tên thật. "Tôi luôn nghi ngờ rằng cả Nefertiti và Meritaten đều không phải là "nữ vương bí ẩn", vì họ không có bộ phận nào là "Neferneferuaten" trong tên thật" - Angenot trình bày.

"Ứng cử viên duy nhất có tên này là công chúa Neferneferuaten" - Angenot lưu ý. "Vấn đề nằm ở chỗ nàng là công chúa nhỏ tuổi nhất còn sống, vì vậy ai cũng nghĩ rằng nàng không thể được ưu tiên hơn anh chị em của mình và ngồi lên ngai vàng".

Thêm vào đó, bà còn tìm thấy một số tác phẩm điêu khắc về những người đứng đầu hoàng gia chưa rõ danh tính. Trước đây, những tác phẩm này được cho là điêu khắc Akhenaten và Nefertiti, nhưng thực chất là của vị công chúa nhỏ tuổi.


Người phụ nữ có cử chỉ nâng cằm trong tấm bia là Neferneferuaten, người còn lại là Meritaten.

Hơn nữa, một phân tích ký hiệu học về ngôn ngữ cơ thể của người Ai Cập đã công bố một bức tranh vẽ các con gái của Akhenaten và Nefertiti, cho thấy công chúa Neferneferuaten có cử chỉ vuốt ve cằm người còn lại. Cử chỉ này cũng được tìm thấy trong một tấm bia chạm khắc hình ảnh của hai người phụ nữ hoàng gia.

Tuy tấm bia này chưa được hoàn thành và không biết chính xác danh tính của hai người phụ nữ trong bia, nhưng có thể nhận thấy nó cũng mang các biểu tượng hoàng gia mô tả pharaoh. Điều này khiến Angenot đưa ra giả thuyết người phụ nữ có cử chỉ nâng cằm trong tấm bia là Neferneferuaten, người còn lại là Meritaten.

Khi Neferneferuaten bắt đầu cầm quyền, chị gái Meritaten đã cùng nàng điều hành vương quốc. Neferneferuaten và Meritaten đăng quang với một hoàng vị chung.

Việc có một nữ pharaoh không phải là chưa có tiền lệ. Trước đó Ai Cập từng có hai vị nữ vương là Hatshepsut và Sobekneferu.

Vị pharaoh cầm quyền sau khi vua Tut băng hà dường như không chấp nhận sự đồng cai trị bởi hai nữ vương và không muốn có điều tương tự xảy ra sau này nên đã cho phá hủy các dấu tích cai trị của hai chị em. "Đó là lý do chúng ta có rất ít thông tin, vì mọi thứ đã bị phá hủy sau khi họ băng hà" - Angenot giải thích.

Angenot cũng đưa ra một manh mối khác chống lại việc Nefertiti là nữ pharaoh bí ẩn đó là người phụ nữ này không mang dòng máu hoàng gia (tức trước đó bà không phải là con gái hay chị em gái của vị pharaoh nào như hai nữ vương Hatshepsut và Sobekneferu), bà chỉ đơn giản là vợ của vua.

Cuộc tranh luận chưa hồi kết

Angenot đã mô tả nghiên cứu của mình tại hội nghị, và hiện bà đang trình bày nghiên cứu một cách hoàn chỉnh trước khi gửi nó cho một tạp chí khoa học kiểm định. Nhiều nhà Ai Cập học khá mong chờ công trình của bà được công bố để có thêm thông tin cụ thể về giả thuyết lạ lẫm này.

"Tôi nghĩ cô ấy đã làm rất tốt, những bức chạm khắc có nhiều nét tương đồng và chúng đều thuộc về một vị công chúa mà chúng tôi không hề biết đến" - Stephen Harvey, một nhà Ai Cập học cũng tham dự vào hội nghị mà Angenot trình bày quan điểm, chia sẻ. "Tôi rất mong đợi phần tranh luận của cô ấy về giả thuyết đồng cai trị của hai nữ vương, bởi lẽ đó là điều chưa từng thấy trong suốt 3.000 năm của nền văn minh Ai Cập".

Một số nhà khoa học khác bác bỏ quan điểm của Angenot. Aidan Dodson, giáo sư Ai Cập học tại ĐH Bristol, Vương quốc Anh nhận xét: "Điều này thật sự khó tin, ý tôi là khó có thể tin tưởng được ấy".

"Vuốt ve cằm" là cử chỉ thường thấy ở các công chúa triều đại thứ 18, tuy nhiên thực sự rất mạo hiểm khi cho rằng cử chỉ này khắc trên bia chính là bằng chứng chứng minh cho việc Ai Cập từng được cai trị bởi hai nữ vương cùng lúc, Dodson chia sẻ. Ông Dodson đang thực hiện một cuốn sách lập luận rằng Nefertiti mới là người có khả năng là nữ pharaoh bí ẩn.

Ông tiếp tục phân tích, tấm bia nói trên có ba khoảng trống để khắc khung tên hoàng gia. Cách bố trí này phù hợp với việc khắc tên của một pharaoh (gồm hai phần) và một hoàng hậu (một phần). Như vậy, nếu như bia kia khắc hai vị pharaoh thì phải có bốn ô khắc tên chứ không phải ba.

Để lý giải cho phản bác này của Dodson, Angenot trình bày rằng có thể ba ô khắc tên này được dùng để khắc "Neferneferuaten Ankhkheperure Meritaten" vì bà cho rằng hai chị em Neferneferuaten và Meritaten dùng chung một hoàng hiệu. Tuy nhiên, không có bất cứ manh mối nào cho thấy từng có điều tương tự xảy ra tại Ai Cập cả trước và sau đó, Dodson nhận định.


Tấm bia có ba khoảng trống để khắc khung tên hoàng gia.

Dodson cho biết thêm, từ khi trở thành vợ của Akhenaten, Neferneferuaten "đã là một phần tên của Nefertiti ngay từ sớm", vì vậy việc bà lấy tên Neferneferuaten khi đăng quang pharaoh sau khi chồng mất không phải là đổi tên hoàn toàn.

Đứng trước cuộc tranh luận, ông Stephen Harvey cho rằng chỉ có thể đánh giá đúng đắn nghiên cứu của Angenot khi nó được công bố toàn diện. "Tôi thực sự muốn biết rõ chi tiết hơn. Tôi muốn đánh giá một cách công bằng", ông nói.

Liệu giả thuyết về nữ hoàng Nefertiti nổi tiếng có bị đánh bại sau gần 50 năm tồn tại?

Cập nhật: 03/08/2019 Theo helino
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video