Khả năng chữa bệnh của phân và nước tiểu

Cùng đi tìm lời giải cho câu hỏi liệu phân, nước tiểu có thực sự hữu ích, an toàn để làm thuốc chữa bệnh?

Phân và nước tiểu con người có khá nhiều ứng dụng, để bón cho cây trồng, để làm nguyên liệu đốt, hay thậm chí gần đây có người còn thu mua phân để làm… bùa chú. Nhưng có lẽ đáng chú ý nhất là ứng dụng làm thuốc trị bệnh ở một số nơi trên thế giới.

Mới đây, một người đàn ông sống tại nước Cộng hòa Uganda thuộc phía Đông của châu Phi lại sẵn sàng bỏ tiền để mua chất thải cơ thể con người về nhằm mục đích làm... thuốc. Vậy liệu chất thải này có thực sự hữu ích, an toàn đến mức có thể làm thuốc để chữa bệnh. Cùng tìm hiểu điều này thông qua bài viết dưới đây.

Phương thức dùng phân, nước tiểu chữa bệnh từ quá khứ...

Việc sử dụng phân và nước tiểu làm thuốc trị bệnh và dược phẩm vốn đã có từ rất lâu, tại nhiều nền văn hóa trên thế giới. Các nhà y thuật gia còn đặt tên phương pháp trị bệnh “Liệu pháp nước tiểu”- Urine Therapy, ám chỉ việc sử dụng nước tiểu nhằm chữa trị những căn bệnh thông thường.

Thời La Mã cổ đại, người dân sử dụng nước tiểu nhằm tẩy trắng răng, dựa vào việc ammoniac - thành phần chính có trong nước tiểu - là một chất tẩy khá mạnh. Việc sử dụng nước tiểu phổ biến đến nỗi hoàng đế La Mã còn… đánh thuế đi tiểu nữa.

Trong Kinh Thánh Thiên chúa giáo và một số văn bản Ấn Độ giáo đều có nhắc đến việc uống trực tiếp nước tiểu, cho rằng đó là dòng nước “tinh khiết”, “dòng nước của Chúa”. Trong văn bản tiếng Phạn Damar Tantra - một nhánh khác của Ấn Độ giáo, “liệu pháp nước tiểu” được nhắc đến rõ ràng hơn, như xoa bóp bằng nước tiểu, hay kết hợp với chế độ ăn uống riêng biệt để có thể trị các bệnh hiểm nghèo, thậm chí là ung thư.

Dân gian Pháp lưu truyền phương pháp trị viêm họng kỳ lạ, bằng cách ngâm tất chân vào nước tiểu, rồi quấn quanh cổ họng. Còn tại Mexico, khi gãy tay hoặc chân, người dân thường trộn nước tiểu với bột ngô cháy, sau đó xay nhuyễn rồi đắp lên vết thương, nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi.

Tại Trung Quốc, liệu pháp sử dụng phân và nước tiểu, lần lượt được gọi là Ren Zhong Huang và Ren Zhong Bai, đều được sử dụng để điều trị tình trạng viêm loét khoang miệng cấp tính của trẻ em do nhiễm nấm hoặc kí sinh trùng. Theo y học truyền thống Trung Hoa, phân người sử dụng để sắc kèm cam thảo. Sau này, một số nghiên cứu chỉ ra rằng những vi khuẩn có trong phân người có thể tăng cường khả năng bảo vệ vi khuẩn trong khoang miệng.

... đến hiện tại...

Theo trang Dailymail đưa tin, tại Hàn Quốc có một loại rượu gạo truyền thống Ttongsul được lên men từ phân trẻ con. Loại rượu này được cho là có thể trị bách bệnh, từ bầm tím, gãy xương cho tới động kinh. Tuy nhiên, loại rượu này đã bị thất truyền từ thập niên 60 của thế kỷ XX.


Phân trẻ em được trộn với nước và lên men trong một ngày

Dù có khá ít người biết về loại rượu chữa bệnh được lên men từ phân này nhưng thầy thuốc y học cổ truyền Lee Chang Soo cố gắng bảo vệ loại "thuốc tiên" này. Ông còn tiết lộ quy trình bào chế Ttongsul như sau: Rượu được làm bằng cách lên men hỗn hợp phân trẻ em (tốt nhất là phân trẻ em 6 tuổi) và nước. Sau một ngày, men và cơm được trộn với nhau.


Cơm gạo tẻ trộn men được cho vào hũ sành, sau đó đổ nước phân lên trên

Gạo tẻ được sử dụng cho quá trình lên men vì nó giàu protein trong khi gạo thường được dùng để tạo mùi vị. Men cơm được trộn đều trong một chiếc nồi, hỗn hợp phân trẻ em lên men được đổ thêm vào để có mùi nồng hơn.


Sau khi ủ một tuần thì vắt lấy nước uống

Toàn bộ hỗn hợp này được ủ trong nhiệt độ khoảng 30 - 37 độ C trong một tuần, sau đó vắt lấy nước để uống. Nếu bệnh nhân bị bầm tím, chỉ cần bôi hỗn hợp này lên vết thương là sẽ tan, hay uống loại rượu này mỗi ngày sẽ có công hiệu chữa nhiều bệnh.

Nước tiểu, phân... liệu có phải là "thần dược"?

Rất nhiều người tin tưởng vào loại "thuốc" thần tiên trị "bách bệnh" này nhưng ai dám chắc hiểu hết được bản chất, thành phần của chúng. Chúng ta biết rằng, thận là cơ quan bài tiết chủ yếu của cơ thể, chức năng chính của chúng là lọc chất độc từ máu, chất cặn bã mà cơ thể không cần đến nữa.

Do đó, về cơ bản, nước tiểu hầu hết là các chất độc mà cơ thể cần phải bài trừ. Khi nước tiểu đầu được tạo ra trong bao Bowman (nang cầu thận), chúng có thể được coi là hoàn toàn vô trùng, đôi khi lưu lại một số vitamin, chất dinh dưỡng do hàm lượng trong máu nhiều mà không dùng hết. Tuy nhiên, khi lần lượt đi qua bể thận, niệu quản, bàng quang, niệu đạo để ra ngoài thì có thể bị bội nhiễm dọc đường do đi qua những vùng viêm nhiễm và bệnh lý của cơ quan đó.

Bởi vậy, nước tiểu thu được ở phía ngoài cơ thể thì hơn 80% không còn sạch nữa. Nếu uống nước tiểu trên, điều đó đồng nghĩa với việc bạn bắt cơ thể tiếp nhận một lượng chất độc và vi khuẩn có hại vào cơ thể. Khi đó, hệ tiêu hóa bị ảnh hưởng, hàng loạt bộ phận khác của cơ thể cũng có thể bị nhiễm độc theo.

Bên cạnh đó, nước tiểu vốn có nồng độ muối rất cao nên uống chúng cũng không khác gì uống nước muối, càng làm cho khát thêm và có nguy cơ giữ nước, gây hại cho cơ thể (phù, suy tim...).

Không chỉ nước tiểu, trong phân người, động vật chứa vô vàn vi khuẩn nhiễm bệnh, đặc biệt là khuẩn E.coli. Chúng trú ngụ, sinh sôi trong bộ máy tiêu hóa của người và động vật. Trong số đó, có một vài loại E. coli sản sinh ra chất vô cùng độc hại có thể gây tiêu chảy ra máu, nặng hơn gây nhiễm trùng máu, suy thận... dẫn tới tử vong.

Cho đến nay vẫn chưa có bất cứ tài liệu y học nào chứng minh một cách khoa học rằng, nước tiểu hay phân có tác dụng chữa bệnh hữu hiệu, có chăng nó chỉ là một trong những vị thuốc nhỏ được đề cập trong bài thuốc Đông y để sao tẩm. Do vậy, nên hay không nên đặt niềm tin vào "thần dược" này là tùy thuộc vào sự quyết định của mỗi người.

Theo PLXH
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video