Ai cũng biết Trái đất, Mặt trời đều có tuổi đời rất "khủng", nhưng có thứ còn "già" hơn cả chúng, và thật bất ngờ, đó là... nước mà bạn vẫn uống hàng ngày.
Vì sao nước bao phủ phần lớn diện tích trên trái đất? Các nhà khoa học đã đưa ra giả thuyết rằng nước trên hành tinh chúng ta có nguồn gốc từ những khối băng trôi nổi trong đám mây vũ trụ. Thậm chí nước còn xuất hiện trước cả mặt trời, hơn 4,6 tỷ năm về trước.
Nước trên hành tinh chúng ta có nguồn gốc từ những khối băng trôi nổi trong đám mây vũ trụ.
Điều này cũng có nghĩa là nước sinh hoạt hàng ngày của con người và nước ở các đại dương hiện nay có thể có tuổi đời nhiều hơn hàng triệu năm so với mặt trời.
Cụ thể hơn, những tảng băng cổ xưa khổng lồ tồn tại được trong sự hỗn loạn của quá trình hình thành hệ mặt trời và sau đó đã đến trái đất. Để chứng minh điều này, các nhà khoa học đã phân tích các phân tử nước trong các đại dương.
Dấu vết để tìm ra manh mối là nước nặng, có chứa tỉ lệ đồng vị deuterium. Nước có deuterium được tìm thấy ở các hành tinh khác, trong đó có mặt trăng. Như vậy, rất có thể một khối lượng lớn nước nặng hình thành trong các đám mây giữa các vì sao và sau đó đến hệ mặt trời.
Sử dụng mô phỏng máy tính, các nhà khoa học đi đến giả thuyết rằng các phân tử băng có tuổi đời hàng tỷ năm đã tồn tại được sau một vụ nổ bức xạ dữ dội của mặt trời, sau đó trút xuống trái đất và các hành tinh lân cận.
Dấu vết để tìm ra manh mối là nước nặng.
Theo các nhà khoa học, tàn dư của những tảng băng như thế vẫn còn tồn tại trong hệ mặt trời: Trên Mặt trăng, các sao chổi, các cực của sao Thủy, sao Hỏa, vệ tinh Europa của sao Mộc. Loại nước đó cũng chính là nước mà mọi người vẫn uống hàng ngày.