Bộ mặt luôn bị giấu kín dưới tầng băng dày của Nam Cực đã lộ diện trước thế giới, nhờ công nghệ vẽ bản đồ mới của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA).
Dự án có tên BedMap2 là một phần của cuộc nghiên cứu tập hợp các chuyên gia quốc tế, dưới sự dẫn đầu của nhóm Khảo sát Nam Cực Anh, nhằm tính toán lớp băng mở rộng trên bề mặt khu vực, theo báo cáo trên chuyên san The Cryosphere.
Hình ảnh bề mặt Nam Cực đang bị chôn dưới lớp băng dày trong hơn 30 triệu năm - (Ảnh: NASA)
Đây là bước đi quan trọng trong nỗ lực dự đoán được độ gia tăng của mặt nước biển trong tương lai.
Để làm được điều này, các nhà nghiên cứu cần biết được chi tiết về địa hình bên dưới của lục địa, từ những thung lũng trải rộng đến các rặng núi bị chôn vùi.
Một số đặc điểm địa hình đã được tiết lộ sau cuộc khảo sát kéo dài cả thập niên, trong đó bao gồm việc phát hiện điểm sâu nhất của lục địa, thung lũng dưới sông băng Byrd (vốn đạt độ cao 2.780m dưới mặt nước biển).
Thế giới còn nhìn thấy được những hình ảnh đầu tiên về Gamburtsev, dải núi lởm chởm có diện tích cỡ New York đang bị chôn vùi dưới hơn 1,6km băng.
Bản đồ mới dựa trên sự nâng lên của bề mặt lục địa, độ dày của băng và địa hình đá móng thu thập được từ các cuộc khảo sát trên bộ, trên không và bằng vệ tinh.