Khám phá bí mật về thuần hóa loài lừa trong quá khứ

Mặc dù vẫn chưa rõ lý do tại sao quá trình thuần hóa loài lừa ban đầu lại xảy ra, theo Science News đưa tin, sự kiện này dường như có liên quan với việc sa mạc Sahara ngày càng rộng lớn và khô cằn hơn.

Trong hàng nghìn năm, những con lừa đã trở nên quan trọng trong việc thúc đẩy các nền văn minh của loài người tiến lên. Loài động vật này đã giúp con người kéo các phương tiện có bánh, chở khách du lịch và di chuyển hàng hóa trên khắp thế giới.

Nhưng quá trình thuần hóa loài động vật này bắt đầu ở đâu và khi nào cho tới nay vẫn là một bí ẩn. Giờ đây, các nhà nghiên cứu đã sử dụng bộ gene của hơn 200 con lừa để theo dõi quá trình thuần hóa của chúng và phát hiện ra một sự kiện diễn ra vào khoảng 7.000 năm trước ở Đông Phi - khoảng 3.000 năm trước khi con người thuần hóa ngựa. Nhóm nghiên cứu đã công bố phát hiện của họ, trong đó nêu chi tiết lịch sử của con lừa, trên tạp chí Science tháng này.


Ước tính rằng có hơn 50 triệu con lừa đang bị sử dụng trong lao động trên toàn thế giới, và phần lớn là ở những quốc gia chưa phát triển, nơi lừa bị coi là động vật chuyên chở và kéo đồ.

Đồng tác giả Samantha Brooks, một nhà nghiên cứu về ngựa tại Đại học Florida, cho biết: “Thông qua DNA của chúng, các loài động vật có thể tự kể về lịch sử của chính mình. Chúng ta thường chỉ hiểu được khía cạnh của con người trong lịch sử thông qua các tài liệu viết, nhưng tất nhiên lịch sử viết không phải lúc nào cũng ghi lại chính xác cách một điều gì đó đã xảy ra. Nhìn vào các chuỗi DNA này, chúng tôi có thể tìm được bằng chứng sinh học về môi trường mà những con vật này đã sống và những trải nghiệm mà chúng đã sống sót”.


Tiếng kêu to và kéo dài của lừa có thể lên tới 20 giây và vang xa tới 3km, điều này giúp lừa có thể giữ liên lạc với đồng bạn trong các khoảng không gian rộng lớn ngoài sa mạc. Đôi tai to của lừa cũng giúp chúng nghe được âm thanh ở khoảng cách xa.

Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra 207 bộ gene của những con lừa hiện đại sống ở 31 quốc gia trên toàn cầu. Họ cũng xem xét bộ gene của 15 con lừa hoang dã và 31 con lừa từng sinh sống trong quá khứ, cách đây khoảng 4.000 đến 100 năm. Nhóm nghiên cứu đã xây dựng lại cây tiến hóa của loài động vật này và sử dụng các mô hình máy tính để xác định chính xác sự kiện thuần hóa, khi những người chăn nuôi ở Kenya và vùng Sừng Châu Phi (Horn of Africa - một bán đảo thuộc Đông Phi lấn ra biển Ả Rập vài trăm km và nằm dọc theo bờ phía nam của Vịnh Aden) thuần hóa lừa hoang dã. Sau đó, họ lần ra cách loài động vật này lan rộng ra phần còn lại của lục địa và đến Châu Âu, Châu Á khoảng 2.500 năm sau đó.

“Đây là câu chuyện về những con lừa… và chi tiết thật tuyệt vời”, Greger Larson, một nhà sinh vật học tiến hóa tại Đại học Oxford ở Anh, người không tham gia vào nghiên cứu, nói với Elizabeth Pennisi của Science.


Lừa thuần hóa là loài động vật xã hội và nếu chúng đã kết đôi hoặc ở trong một đàn nào đó, chúng sẽ thể hiện sự thích thú với bạn bằng cách liếm lông, ngủ và kiếm ăn cùng nhau.

Những phát hiện đã tiết lộ những phần khác về lịch sử của loài vật: Ví dụ, tại nơi dường như là một trung tâm nuôi lừa tại La Mã cổ đại nằm ở đông bắc nước Pháp, con người đã lai tạo những con lừa Châu Phi và Châu Âu với nhau để tạo ra “những con lừa khổng lồ”, Science cho biết. Những con vật này cao hơn một con lừa tiêu chuẩn gần 10 inch - khoảng 25 cm.

Mặc dù vẫn chưa rõ lý do tại sao quá trình thuần hóa ban đầu lại xảy ra, Freda Kreier của Science News báo cáo rằng sự kiện này trùng hợp với việc Sahara ngày càng rộng lớn và khô cằn hơn.

Đồng tác giả Ludovic Orlando, một nhà sinh vật học tiến hóa tại Đại học Paul Sabatier ở Pháp, cho biết: “Lừa là nhà vô địch trong lĩnh vực mang vác đồ đạc và có khả năng đặc biệt trong việc vượt qua sa mạc. Người tiền sử có thể đã tranh thủ sự giúp đỡ của những con lừa trong việc di chuyển khi sa mạc Sahara đang mở rộng".


Lừa có thể nhận ra và nhớ gương mặt của bạn mình ngay cả khi chúng đã xa cách trong một khoảng thời gian dài. Thậm chí chúng có thể nhớ gương mặt người có mối liên hệ với mình sau nhiều năm không gặp. Bày tỏ sự phấn khích nếu chúng có mối quan hệ tốt đối với họ trong quá khứ.

Hiện tại, không có bộ gene nào được công bố từ lừa nằm ở phía nam đường xích đạo ở Châu Phi. Nhưng việc hiểu được nơi loài động vật này được thuần hóa đầu tiên có thể hướng dẫn các nhà khảo cổ học đến một khu vực hẹp hơn để tìm kiếm những hiểu biết sâu sắc về những con lừa được thuần hóa ban đầu.

Các tác giả viết: "Nghiên cứu này không chỉ giúp chúng ta hiểu cấu tạo gene của loài lừa, mà còn giúp tiết lộ những đóng góp của chúng đối với lịch sử loài người mà còn có thể cải thiện khả năng quản lý chúng trong tương lai, khi biến đổi khí hậu làm thay đổi môi trường của hành tinh. Hiện nay, có khoảng 50 triệu con lừa sống trên Trái đất, và chúng vẫn quan trọng đối với nông nghiệp và giao thông vận tải".


Khi ở trong sa mạc, lừa sẽ giúp những loài động vật khác tìm được nước bằng cách đào sâu tới 1.8m xuống dưới lòng đất để tìm nguồn nước ngầm. Điều này đã giúp rất nhiều loài động vật sống trong sa mạc, những hố nước này rất quan trọng cho động vật trong những ngày thời tiết nóng và khô nhất trong mùa hè.

Emily Clark, một nhà di truyền học vật nuôi tại Đại học Edinburgh ở Scotland, người không tham gia vào nghiên cứu, nói với Science News: “Lừa là loài động vật có khả năng làm việc phi thường và cần thiết cho sinh kế của hàng triệu người trên toàn cầu. Chúng ta mang ơn con lừa nhà về vai trò của chúng trong việc định hình xã hội”.

Cập nhật: 01/10/2022 Tổ Quốc
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video