Các nhà sinh học thuộc đại học Harvard vừa mới phát hiện một số loài ếch châu Phi có mang vũ khí bí mật: khi bị đe dọa, những con ếch dùng những chiếc xương sắc nhọn trong ngón chân đâm xuyên qua lớp da của chúng để làm móng vuốt có khả năng làm kẻ thù bị thương.
Cơ chế tự vệ khác thường của loài ếch được David C. Blackburn, James Hanken, và Farish A. Jenkins, Jr. thuộc đại học Harvard mô tả trên số sắp phát hành của tờ Biology Letters.
Blackburn, sinh viên hậu tiến sĩ tại khoa Sinh học tiến hóa và hữu cơ thuộc đại học Harvard, cho biết: “Thật ngạc nhiên khi phát hiện những con ếch có móng vuốt. Thậm chí chúng tôi còn ngạc nhiên hơn khi thấy những chiếc móng vuốt đó đâm xuyên qua da chân của chúng. Đây là những chiếc móng vuốt đầu tiên của động vật có xương sống thực hiện chức năng theo cách như vậy”.
Ông thêm rằng: “Hầu hết các loài động vật có xương sống thường giữ xương của chúng ở bên trong”.
Lần đầu tiên Blackburn phát hiện những con ếch có móng vuốt khi ông tiến hành nghiên cứu thực hiện tại quốc gia Cameroon miền trung Châu Phi. Khi ông nhấc một con ếch vụng về có kích cỡ bằng nắm tay, hai chân sau của nó giật mạnh một cách hung bạo. Nó cào ông đến tứa máu.
Quay trở lại Hoa Kì, Blackburn xem xét các mẫu trưng bày trong bảo tàng có chứa 63 loài ếch châu Phi. Ông nhận ra 11 loài trong số đó, đều thuộc giống Astylosternus, Trichobatracus, hay Scotobleps và tất cả đều là loài đặc hữu của miền trung Châu Phi. Chúng có xương trồi ra ở đầu ngón chân, rất nhọn và cong kèm theo phần xương cử động tự do ở đỉnh. Cuối cùng ông biết được rằng những cái mấu xương nhỏ nằm ở phần đầu ngón chân có gắn kết với phần còn lại của ngón chân nhờ một màng bọc có thành phần chủ yếu là collagen.
Ít nhất 11 loài ếch có thể tấn công kẻ thù bằng những chiếc xương sắc nhọn trồi ra với vai trò làm vũ khí tự vệ. (Ảnh: www.amnh.org) |
Blackburn nói: “Những cái mấu nhỏ này cũng gắn kết rất chặt chẽ với vùng da xung quanh nhờ mạng lưới collagen dày đặc. Hình như chúng có tác dụng giữ lớp da tại vị trí liên quan đến những cái xương giống móng vuốt. Do đó khi con ếch gập một cơ nhất định nào đó trên bàn chân, cái xương sắc nhọn sẽ rời khỏi mấu và đâm xuyên qua da”.
Cấu trúc giống móng vuốt nói trên không hề giống móng vuốt bình thường: nó hoàn toàn là xương, không có vỏ keratin thường bao bọc xung quanh móng vuốt của động vật có xương sống. Móng vuốt bình thường, như của loài mèo chẳng hạn, co vào trong một cấu trúc chuyên biệt nằm trên chân của động vật. Trong khi bộ phận chuyên biệt đó ở loài ếch lại chỉ được che chắn bởi lớp da bình thường.
Mặc dù những con ếch này đã được đề cập đến trong các tài liệu khoa học vào khoảng năm 1900 đến năm 1925 nhưng tại Hoa Kì người ta biết về chúng rất ít. Chúng cũng chỉ xuất hiện trong một vài bộ sưu tập tại bảo tàng. Ngay cả nhiều nhà khoa học viết tư liệu về chúng cả thế kỉ trước cũng thường nhầm lẫn cho rằng lớp da bị xuyên thủng là sai sót xảy ra trong quá trình bảo quản mẫu vật.
Chúng thường bị nướng và chén thịt tại Cameroon, nơi các thợ săn – những người nhận thức rất rõ khả năng gây sát thương của chúng - luôn cố tránh động chạm đến chúng bằng mọi giá khi chúng còn sống.
Blackburn cho biết: “Thợ săn Cameroon thường sử dụng giáo dài hoặc dao rựa để tránh chạm vào những con ếch. Một số người thậm chí còn bắn chúng”.
Trong số hơn 5.500 loài ếch được biết đến, Blackburn và các cộng sự phát hiện 11 loài có móng vuốt. Họ cho rằng có lẽ trong tự nhiên còn tồn tại những loài khác được trang bị vũ khí tương tự.
Blackburn dự định nghiên cứu những con ếch Châu Phi còn sống nhằm xác định hành động rút xương chân vào trong cơ thể là quá trình chủ động hay bị động, và bằng cách nào con ếch có thể phục hồi lớp da bị hủy hoại sau khi sử dụng móng vuốt.
“Chúng tôi ngờ rằng do những con ếch phải chịu đựng vết thương khá khó chịu nên có lẽ chúng sử dụng móng vuốt không thường xuyên, chỉ những lúc bị kẻ thù đe dọa”.