Khí hậu toàn cầu thay đổi bởi một ngọn núi lửa

Cách đây 4 thế kỷ, một ngọn núi lửa ở Peru phun những cột khói bụi khổng lồ lên bầu trời. Thảm họa ấy có thể đã mở đầu một giai đoạn mới trong lịch sử khí hậu thế giới.

Cơn giận dữ vào năm 1600 của Huaynaputina, một núi lửa ở dãy núi Andes (Peru), đã chôn vùi những làng gần đó bằng những dòng nham thạch và tro bụi khổng lồ, giết chết khoảng 1.500 người. Nhưng nó còn gây nên một tác động lâu dài hơn khi vô số phân tử lưu huỳnh bay vào bầu khí quyển, gây xáo trộn khí hậu toàn cầu.

Các nhà địa chất học biết rằng đợt phun trào ấy rất kinh khủng, nhưng chưa có nhà khoa học nào giải thích được cách thức mà nó thay đổi thế giới mãi mãi. Kenneth Verosub, tại Đại học California (Mỹ), là một trong những người đầu tiên quyết tâm tìm ra câu trả lời.

"Chúng ta đang nói về một thay đổi đột ngột và mạnh mẽ trong một giai đoạn cực ngắn. Vậy nó gây nên tác động gì đối với nông nghiệp toàn cầu?", Kenneth phát biểu.

Kenneth khẳng định tác động ấy là rất lớn sau khi ông tìm hiểu dữ liệu lịch sử về mùa màng, các nạn đói và những sự kiện quan trọng trong những năm sau khi thảm họa núi lửa Huaynaputina xảy ra.

Các nhà khoa học nhấn mạnh rằng có rất nhiều khác biệt về thời tiết đã xảy ra trong năm 1601. Những bằng chứng mà họ ghi lại từ các vòng tròn trong thân cây cho thấy, đó là năm lạnh nhất trong 6 thế kỷ ở bán cầu bắc. Hiện tượng này có thể là kết quả của việc núi lửa giải phóng vô số phân tử lưu huỳnh vào khí quyển.

Núi lửa Huaynaputina ngày nay. (Ảnh: Solarnavigator.net)

Tác động ấy lan sang bán cầu bắc, nơi một mùa đông khắc nghiệt gây nên tình trạng mất mùa ở Nga. Tuyết phủ kín Thụy Điển, dẫn đến những trận lụt kinh hoàng và một vụ mùa thất bát. Nông dân Pháp phải thu hoạch nho muộn vì giá rét. Tại Nhật Bản, hồ Suwa đóng băng sớm hơn mọi năm. Những chuyến tàu biển từ Mexico tới Philippines trở nên nhanh hơn vì phương thức hoạt động của gió thay đổi.

"Chúng tôi nhận thấy 1601 là một trong những năm lạnh, ẩm và tồi tệ nhất trong lịch sử loài người. Một vài sự kiện nêu trên được cho là kết quả của xu hướng lạnh từ thời kỳ băng hà. Tuy nhiên, có lẽ chúng được tạo nên bởi núi lửa Huayaputina", Kenneth Verosub nhận định.

Nghiên cứu của Đại học California là một trong những công trình đầu tiên giải thích những tác động về mặt xã hội - sinh thái của sự kiện núi lửa Huaynaputina phun trào.

Trên thực tế, Kenneth Verosub nảy ra ý định thực hiện nghiên cứu khi ông biết tới thảm họa núi lửa Tambora ở Indonesia vào năm 1815 - được cho là vụ phun trào nham thạch lớn nhất trong lịch sử. Tambora giải phóng vào bầu khí quyển một lượng lưu huỳnh lớn đến nỗi mùa hè ở Indonesia đã biến mất vào năm sau đó.

Theo Kenneth, nếu hoạt động phun trào của Huaynaputina tạo ra những tác động gây biến đổi ở quy mô toàn cầu, có thể suy luận rằng những vụ phun trào núi lửa có quy mô như thế có thể khiến khí hậu trái Đất giảm xuống dễ dàng hơn. Kenneth lo ngại rằng lần hoạt động tiếp theo của Huaynaputina có thể khiến hành tinh của chúng ta trở nên lạnh hơn và làm giảm đáng kể năng suất của ngành nông nghiệp.

Việt Linh (Theo Nature, Vnexpress)
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video